TẾT VIỆT TRONG HƯƠNG VỊ BÁNH TÉT-BÁNH CHƯNG CỦA TRƯỜNG MẦM NON HOA MAI
Tết Việt đang đến thật gần, ở đâu đó không khí tỏa lan, nhà nhà đi chợ tết, người người mua sắm tết. Và có lẽ theo phong tục từ ngàn xưa, người Việt đã biết tận dụng những tài nguyên của trời đất để tạo ra những giá trị cho cuộc sống của mình. Câu chuyện Lang Liêu và chiếc bánh chưng, bánh dầy không phải là sự thêu dệt của trí tưởng tượng phong phú mà đó là sự thật về cuộc sống và trí thông minh của con người thuở sơ khai. Trải qua mấy nghìn năm, chiếc bánh chưng đã trở thành phẩm vật thiêng liêng của cháu con dâng lên tổ tiên, trời đất trong mỗi dịp tết đến xuân về, đó là câu chuyện cổ ngày xưa.
Và ngày nay vẫn còn duy trì phong trào gói bánh chưng, bánh tét. Không đâu xa lạ, khỏi phải trông chờ những ngày giáp tết để được chứng kiến các bà các mẹ các chị làm bánh. Mà ngay lúc này đây, chúng ta cùng xem các bạn nhí lớp Ichigo 1 sẽ bắt tay vào công việc tưởng chừng như đơn giản mà cực kỳ thú vị qua việc tự tay gói bánh cùng các cô giáo trường Mầm non Hoa Mai, Hà Lam, Thăng Bình nhé!
Xóm nhỏ mi ni gói gọn trong lớp học của các bạn nhí bỗng nhộn nhịp hẳn lên, sau khi chuẩn bị gạo nếp, lá chuối làm bánh chưng, khuôn bánh, mấy bạn ý xúm xít quanh các cô và nhìn từng khâu gói bánh để tập làm theo. Không hiểu vì sao, nhưng mỗi lần như vậy, chúng ta lại thấy háo hức và thích thú lạ kì, một cảm giác thật hấp dẫn làm sao!
Lau lá là việc đầu tiên cần phải làm trước khi vào phần khác, rất đơn giản, nhẹ nhàng, không khó nên mới tí tuổi thôi cũng đã ý thức được rồi.
Xếp lá vào khuôn và đổ nguyên liệu nếp, đậu xanh vào đó, nhìn chăm chú từng bước ấy.
Tiếp theo là gói bánh tét, trải lá chuối xuống ngay ngắn, vuốt lá đều, múc nếp đổ vào và dàn trải ra cho đều tay, sau đó đổ đậu xanh vào giữa làm nhân bánh.
Ánh mắt đón lấy từng công việc, đôi tay cũng khéo đến thế, tập thói quen từ nhỏ thế này thì ba mẹ yên tâm khi con mình đã biết giúp đỡ người lớn rồi.
Gấp lá lại và sang giai đoạn gói gém tém vào, cột dây, cái này phải cô giáo mới làm được. Phối kết hợp rất ăn ý giữa cô và trò thế mà hay.
Những hạt gạo nếp trắng mịn, căng tròn như chắt chiu từng giọt nắng, hạt mưa, ấp ủ trong mình cái thuần khiết, trong trẻo của hương đồng gió nội. Đậu xanh được nấu chín, xay nhuyễn, quyện với nhau. Tất cả được bọc trong tàu lá xanh mướt được buộc với sợi lạt vàng ngà dẻo dai. Lạt buộc có bốn sợi chia chiếc bánh chưng làm các phần vuông vức.
Nếu ăn chầm chậm từng miếng bánh, ta sẽ thấy vị ngọt ngào, thơm dẻo của nếp, vị béo ngậy của đậu xanh chín nhừ, như tan ra mà vẫn mãi vấn vương.
Trong mỗi chiếc bánh chưng, bánh tét thể hiện triết lí sâu xa, lối sống và cách ứng xử của dân tộc ta. Gạo nếp dẻo thơm kết dính tượng trưng cho nghĩa tình gắn bó keo sơn. Lớp nhân đậu xanh hoà quyện là tấm lòng nhân hậu. Lớp lá xanh bao ở bên ngoài là tấm lòng thủy chung, thắm thiết. Lạt nhựa vàng buộc chặt là biểu tượng cho tình thần đoàn kết, hoà nhất một lòng một dạ. Bởi thế, mỗi lần làm bánh hay thưởng thức vị ngon ấy, ai cũng bồi hồi nghĩ về tiên mình, nghĩ về lớp lớp người đi trước đã dày công bồi đắp làm nên cuộc sống hôm nay với tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Có thể thời gian làm mọi thứ đổi thay nhưng cái tết của người dân Việt Nam ta chưa bao giờ thay đổi. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, bánh chưng, bánh tét gắn chặt, in sâu trong tâm thức của người Việt, trở thành một phẩm vật vừa bình dị vừa thiêng liêng, chứa đựng triết lí sâu xa về trời đất và con người.
Giữa cái lạnh se se của những ngày cuối Đông, thật ấm áp biết bao khi được ngồi lại cùng nhau chuẩn bị gói bánh tét, bánh chưng cuối năm Nhâm Dần âm lịch, được chăm chút bởi rất nhiều những đôi tay tí xíu nhỏ xinh của các bạn lớp Ichigo 1. Trải qua các giai đoạn ngâm nếp, vò đậu, gói bánh... ai cũng bắt tay vào việc và thành quả đem lại như mong đợi. Một chốc sản phẩm đã xong và đưa vào nồi nấu. Chờ đợi từng giờ đồng hồ trôi qua và cuối cùng bánh đã chín tới, vớt ra để ráo, công nhận một buổi trải nghiệm làm bánh chưng, bánh tét của cô trò Trường Mầm non Hoa Mai thật tuyệt vời.
# NHÀNH CỎ NON
10/01/2023