Nhắc đến ẩm thực xứ Quảng là nhắc đến thiên đường đặc sản với danh sách các món ăn ngon khó cưỡng, chinh phục vị giác của hàng ngàn thực khách bốn phương. Trong đó, Mỳ Quảng hay Cao Lầu chắc hẳn đã quá quen thuộc với du khách nhưng nếu đến huyện Điện Bàn mà không thưởng thức Bê thui Cầu Mống sẽ là thiếu sót cho hành trình của bạn.
Bê thui Cầu Mống đã có từ hơn nửa thế kỷ trước
Bê thui Cầu Mống đã có hơn nửa thế kỷ nay tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trở thành niềm tự hào của người dân địa phương mỗi khi được ai đó hỏi rằng: ẩm thực nơi đây nổi tiếng với món gì? Chắc hẳn lúc ấy bạn sẽ được người dân giới thiệu rất nhiều quán bán bê thui Cầu Mống trứ danh và cả cách họ chăn nuôi làm sao để con bê được ngon nhất.
Sông Thu Bồn chảy qua huyện Điện Bàn vì thế vun đắp cho nơi đây đất đai màu mỡ, cây cỏ tươi tốt quanh năm. Đặc biệt vào mùa xuân đâu đâu cũng là những cánh đồng cỏ xanh mơn mởn. Đây cũng là thiên đường của những chú bò khi chúng được thỏa sức gặm cỏ non. Bên cạnh là dòng nước mát giúp đàn bò giải khát mỗi trưa hè. Chính nhờ mẹ thiên nhiên ưu ái mà đàn bò lúc nào cũng mập mạp, lớn nhanh như thổi.
Nhờ thế mà người dân chỉ cần nuôi bê 5 tháng là đã có thể xuất chuồng. Ở những vùng khác thì phải nuôi đến 6-7 tháng vì không có nguồn cỏ dồi dào, xanh mát như ở Gò Nổi. Muốn bê ngon thì phải thui bằng củi dâu để thịt thơm ngọt. Đặc biệt điều chỉnh lửa lớn nhỏ như thế nào để vừa chín tới vừa không bị cháy cũng là nghệ thuật giúp bê thui Cầu Mống thêm đặc sắc. Hiện tại các quán không còn sử dụng củi dâu, thay vào đó là bằng than hoa. Thế nhưng vẫn không làm giảm đi hương vị của món ăn này.
Từng lát thịt được thái đều đặn, bắt mắt
Thui bê mất khá nhiều thời gian vì phải để nó chín từ từ và chín đều thì mới ngon. Trong lúc đó, mọi người tranh thủ làm rau sống và nước chấm. Đây là hai thành phần không thể thiếu để làm nên món bê thui Cầu Mống trứ danh. Một dĩa rau sống được bày biện rất nhiều loại rau khác nhau để phù hợp với sở thích từng người. Nhưng không thể thiếu chuối chát, khế chua, rau thơm, xà lách, dưa chua… tất cả hòa trộn nên một dĩa rau xanh ngon.
Tiếp đến chén nước chấm thơm lừng chính là điểm nhấn của món ăn này. Nếu pha được nước chấm đúng điệu sẽ gia tăng độ ngon khó cưỡng của bê thui Cầu Mống. Ở đây người dân dùng nước mắm từ cá cơm, cá nục… giữ được độ thơm ngon tự nhiên. Sau đó giả thêm ớt tỏi, gừng và gia vị để làm nên chén nước mắm thơm cay, quyến rũ lòng người. Kết hợp cùng bánh tráng đặc sản Đại Lộc dai dai, bùi bùi vị gạo sẽ càng nhân đôi hương vị vùng quê xứ Quảng.
Bày biện lên trước mặt một dĩa bê thui thơm lừng, dĩa rau sống xanh tươi, chén nước mắm ngào ngạt và bánh tráng đặc sản, chắc chắn sẽ cho bạn một bữa ăn ngon miệng và đáng nhớ. Cũng chính vì thế mà ngày càng có nhiều quán bê thui xuất hiện ở các huyện, tỉnh lân cận và đặt tên bê thui Cầu Mống. Nhưng có lẽ thưởng thức món ăn ở nơi cội nguồn nó được sinh ra vẫn là đúng vị nhất.
1 kg bê thui giao động khoảng 250-300 nghìn đồng
Người dân địa phương có câu ca dành riêng cho món ăn đặc sắc này: “Dừng chân Cầu Mống đi anh/ Bê thui thơm nức sao đành làm ngơ/ Bê em “ăn… mía” bãi bờ/ Thịt ngon có tiếng còn nhờ mắm nêm/ Thấy ngon thì gọi xắt thêm/ Quán em phục vụ cả đêm lẫn ngày”. Câu ca cất lên thực khách được dịp cười giòn giã, không khí thế mà tràn ngập niềm vui.
Nếu có dịp đi qua quốc lộ 1A, đoạn qua Điện Bàn bạn hãy thử dừng lại ở một quán bê thui nào đó và trải nghiệm xem bê thui Cầu Mống có gì khác so với những nơi khác không nhé. Hứa hẹn đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời cho các thực khách khi đến Quảng Nam.
Xuân Bình