Blog Quảng Nam

Bản tin

LÀNG CỔ LỘC YÊN - NÉT ĐẸP LÀNG QUÊ VIỆT NAM

Ngày: 

06/05/2021

Lượt xem: 

2126

Nằm cách trung tâm huyện Tiên Phước khoảng 5km về phía Nam, làng cổ Lộc Yên hiên có 184 hộ dân đang sinh sống. Nơi đây được rất nhiều du khách thập phương ghé thăm vì mang nhiều vẻ đẹp nên thơ, yên bình của làng quê Việt Nam.

 

Những cánh cửa, cây cột nhà có tuổi thọ lên đến hàng trăm tuổi

 

Giá trị lịch sử của những ngôi nhà “Ngõ Đá hoa sưa”

 

Làng Lộc Yên, Quảng Nam là một trong những ngôi làng cổ, chứa đựng khá nhiều giá trị văn hóa Việt nói chung và Quảng Nam nói riêng. Với một quần thể nhà cổ phong phú có niên đại từ 70 tới 150 năm tuổi có kiến trúc tinh tế và một không gian văn hóa mang đậm dấu ấn cổ truyền từ giếng nước, đường làng, ngõ đá, hàng chè tày đến vườn cây ăn quả…

 

Không gian văn hóa nhà cổ Lộc Yên có thể nói là đại diện tiêu biểu cho không gian văn hóa nhà cổ Quảng Nam.

 

Theo các bậc cao niên cho biết, làng cổ được hình thành từ nửa cuối thế kỷ 18, do ông Nguyễn Công Tuyết (người Tam Kỳ) thành lập. Ngoài những kiến trúc đặc sắc, mỗi ngôi nhà thường có những hàng rào bằng đá dẫn lối đi vào kiên cố và có giá trị thẩm mĩ cao. Cụ ông Nguyễn Văn Điệp, 87 tuổi ở thôn 4 Tiên Cảnh hào hứng khoe: “Những chiếc cổng đá, ngõ đá hay đường làng được lát toàn bằng đá, dễ có đến hơn trăm năm chứ không ít. Từ hồi tôi sinh ra đã có rồi, chỗ nào hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại ngay. Chính vì thế mà những hàng rào đá, những ngõ đá vẫn còn lại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay”.

 

Ngõ đá - hoa sưa đặc trưng của vùng đất Tiên Phước

 

Nơi đây được mẹ thiên nhiên khá là ưu ái về cả đất và khí hậu nên mỗi ngôi nhà đều có một vườn trái cây. Những loại trái cây nổi tiếng ở Tiên Phước có thể kể đến là: chôm chôm, bòng bong, dâu đất...

 

Nơi có chiếc bàn tự xoay tạo nên điểm nhấn

 

Vào với ngôi nhà cổ ông Hoan, hãy thử một lần trải nghiệm chiếc bàn xoay tự động. Chiếc bàn được sưu tầm từ một ngôi làng ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) từ mấy chục năm trước. Truyền rằng những nghệ nhân làng Văn Hà ngày ấy, làm ra những chiếc bàn gỗ mít này như một mặt hàng gia dụng, bán cho nhà dân trong vùng Quảng Nam và lân cận. Người thợ không cố ý nhưng những chiếc bàn theo một nguyên lý nào đó chưa giải thích được.

 

Theo quan sát của chúng tôi, chiếc bàn có kết cấu khá đơn giản. Một cái chân để bàn có thể trụ đứng và một mặt bàn được mài nhẵn. Nhưng khi hay hay nhiều người đặt tay úp nhẹ lên chiếc bàn thì chiếc bàn lại tự động xoay vòng. Nếu tất cả mọi người đều di chuyển theo thì chiếc bàn xoay ngày một nhanh hơn. Để chiếc bàn ngừng lại hoặc xoay ngược thì người tham gia phải đồng loạt ngửa tay lên, là bàn sẽ ngừng lại và xoay theo chiều hướng ngược lại.

 

Cô Thiện - trung tâm văn hoá huyện Tiên Phước cho biết: “Để chiếc bàn có thể xoay thì cần phải có bàn tay của con người truyền năng lượng cho nó. Và thần chú để chiếc bàn có thể xoay người lại là “ngược lại" cùng với hành động ngửa bàn tay mình ra khi chạm vào bàn".

 

Đến nay, chưa nhà khoa học nào có thể giải thích được sự thần kỳ của chiếc bàn, tuy nhiên, rất nhiều du khách đến đây đã trải nghiệm điều kỳ diệu này.

 

Trải nghiệm chiếc bàn xoay thần kỳ

 

Làng cổ Lộc Yên là một món quà của thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Nhận thấy được điều đó, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân.

 

TRANG CHÂU

Bài Viết Liên Quan

Danh Mục

Loading...

Xem thêm

Tags