Blog Quảng Nam

Bản tin

ĐỘC ĐÁO “LÀNG CỦI LŨ” TẠI HỘI AN

Ngày: 

30/03/2024

Lượt xem: 

55

Nằm cách trung tâm thành phố Hội An chừng 2 cây số, Làng gỗ củi lũ tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm An, thành phố Hội An là điểm tham quan ấn tượng với nhiều du khách gần xa. Chỉ nghe cái tên thôi cũng khiến chúng ta tò mò vì sao lại gọi là “làng củi lũ”? Một cái tên xa lạ nhưng đằng sau đó là một câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Không gian phố cổ Hội An được chế tác từ củi lũ

Từ những thanh gỗ cũ hay cành cây ngã rạp bị lũ cuốn trôi, tưởng chừng như bỏ đi. Song, dưới bàn tay tài hoa của người con xứ Quảng, chúng lại được hồi sinh theo một cách khác biệt. Anh Lê Ngọc Thuận, một người con Hội An đam mê điêu khắc mỹ thuật đã quan sát thiên nhiên nơi mình sinh sống và anh nhận ra rằng những cơn lũ hằng năm đã cuốn trôi rất nhiều thanh gỗ to nhỏ từ thượng nguồn về hạ lưu sông Thu Bồn. Những thanh gỗ nếu vẫn để nổi lềnh bềnh trên sông sẽ làm mất mỹ quang của thành phố du lịch nhưng khi anh đem về chúng đã được hồi sinh kỳ diệu và mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.
Từ đó anh Thuận cùng những nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng đã góp nhặt những thanh củi lũ và những cành cây bỏ đi để điêu khắc thành các tác phẩm nghệ thuật tinh tế. Đó là không gian của biển cả, không gian của các biểu tượng linh vật và không gian của biểu tượng văn hóa Hội An, văn hóa đồng bào Cơ Tu…Mỗi một tác phẩm không chỉ mang vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn truyền tải những ý nghĩa về văn hóa sâu sắc đến người thưởng thức.


Làng củi lũ gắn liền phát triển du lịch với gìn giữ nghề truyền thống

Nét chạm trỗ trên tác phẩm nghệ thuật ở đây mang đậm tính truyền thống của nghệ nhân làng mộc Kim Bồng và nét phóng khoáng trong nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu. Anh Lê Ngọc Thuận đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về cách mà người Cơ Tu điêu khắc, tạo hình trên gỗ và học hỏi ở họ cách sử dụng gỗ dựa vào thiên nhiên.

Trong không gian của làng củi lũ có rất nhiều tác phẩm được ra đời với các kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Những cành cây to sẽ được chế tác thành những linh vật lớn, thuyền thúng, tượng Phật, nhà cổ Hội An... Những cành cây nhỏ hơn sẽ làm chuông gió, linh vật nhỏ, quà lưu niệm,... Theo các nghệ nhân ở đây chia sẻ thì một con cá dài gang tay cần làm trong thời gian gần 2 giờ đồng hồ. Anh Lê Ngọc Thuận sẽ lên hình ảnh bản thiết kế và gửi cho các nghệ nhân thực hiện. Các thanh gỗ cần đục thành hình dáng con cá và sau đó điêu khắc tỉ mỉ từng họa tiết như vây cá, mắc cá. Và cuối cùng là sơn màu để cho sản phẩm sinh động và chân thật nhất.

Du khách trải nghiệm sáng tạo tác phẩm cho riêng mình

Dưới bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân lành nghề, kinh nghiệm dày dặn những thanh củi thô sơ bỗng chốc có hồn riêng. Được biết những người thợ của làng đã theo nghề khi còn thiếu niên đến nay ai cũng có thâm niên trên 5 năm, nhiều người gắn bó đến gần 15 năm. Trước đây, họ chủ yếu làm ở những xưởng mộc ở địa phương. Công việc vẫn tạo ra các sản phẩm từ gỗ nhưng là gỗ đi mua về chế tác. Đến nay khi có làng củi lũ, người nghệ nhân tiếp xúc với nhiều thanh gỗ có hình thù khác nhau. Mặc dù gỗ không nhẵn bóng hay tạo khối vuông vức nhưng chính những điều chưa hoàn hảo ấy lại tạo nên những tác phẩm độc nhất và đằng sau chúng luôn là một câu chuyện đầy ý nghĩa.

Hiện có khoảng 20 nghệ nhân đang làm việc tại làng củi lũ

Kể từ khi anh Thuận phát triển nghề làm mộc gắn với bảo vệ thiên nhiên thì chúng ta có thêm một không gian để ghé thăm. Đây không chỉ là nơi làm việc của những người nghệ nhân mà còn là nơi tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm các công đoạn để làm nên một tác phẩm của chính mình và mang về làm quà. Một món quà đầy ý nghĩa về giá trị văn hóa Việt được gửi gắm.

XUÂN BÌNH

Bài Viết Liên Quan

Danh Mục

Loading...

Xem thêm

Tags