Blog Quảng Nam

Bản tin

BÌNH YÊN NGAY TẠI RUỘNG BẬC THANG CHUÔR - TÂY GIANG

Ngày: 

04/10/2021

Lượt xem: 

1234

Ruộng bậc thang không chỉ có ở Tây Bắc, Sa Pa mà ngay tại Tây Giang, Quảng Nam cũng có cảnh đẹp dân dã như thế. Với tên gọi Chuôr gần gũi, những thửa ruộng bậc thang tại Tây Giang đã thu hút sự thích thú của du khách mỗi vụ mùa đến.

 

Ruộng bậc thang Chuôr những ngày đầu vụ

 

Cũng giống như vụ lúa ở mọi miền, ruộng Chuôr có 2 mùa vụ: đông xuân và hè thu. Khi lúa bắt đầu lớn cao, xanh tươi cũng là lúc du khách khắp nơi đổ xô về đây. Đứng từ trên đường lớn nhìn xuống sẽ thấy một dải lụa màu xanh hiện ra trước mắt. Thời gian du khách thưởng thức ruộng bậc thang Chuôr sẽ kéo dài khoảng một tháng. Khi lúa vàng ươm được thu hoạch xong thì khung cảnh cũng chuyển mình để bắt đầu mùa mới.

 

Thế nhưng để có thể tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang Chuôr bạn sẽ cần trải qua đoạn đường tương đối dài và khó khăn. Từ thành phố Đà Nẵng bạn sẽ đi 150km để đến xã Axan, Tây Giang. Ban đầu bạn đi theo đường lên Đông Giang, tiếp tục tiến về phía trước để đến xã A Tiêng. Từ trung tâm huyện Tây Giang bạn sẽ đi thêm 50km nữa để đến nơi. Có thể nói với tuyến đường này sẽ là một trải nghiệm ly kỳ và đáng nhớ dành cho các phượt thủ.

 

Trải qua ngày dài chinh phục những cung đường ngoằn ngoèo bạn sẽ được tận hưởng không gian thoáng đãng và thơ mộng của ruộng bậc thang Chuôr. Mở ra ngay trước mắt bạn là một chân trời mới đầy đắm say. Một hiện thực sinh động mà tôi tin rằng bạn cảm thấy hoàn toàn xứng đáng để phiêu lưu. Thanh bình, yên ả, xinh đẹp là những tính từ không hề khoa trương khi nói về ruộng Chuôr. Có phải bạn đang nhìn thấy một đàn cò trắng bay qua cánh đồng, một vài con thì đang lúi húi tìm mồi, vọc cỏ trên bờ ruộng. Những chú chim nhanh nhảu lướt qua và đậu trên chùm lúa nặng hạt. Vài chú bù nhìn sắc xanh, trắng, cam nhấp nhô giữa thửa ruộng để canh giữ hạt giống cho người dân. Tất cả thật bình yên, dịu nhẹ và thư thái.

 

Khung cảnh thung lũng bình yên, mộc mạc

 

Đó là khi bạn còn dựng xe trên con đường lớn và phóng tầm mắt của mình ra xa. Ấy vậy mà mọi chi tiết của cánh đồng được bạn thu lại trong nháy mắt. Rồi nhìn kìa phải chăng một dòng chảy hiền hòa đang uốn lượn quanh co. Chúng lách qua các vách đá, qua nhà dân và tạo hướng đi mềm mại cho chính mình. Chẳng ai bảo chẳng ai rằng mà cha ông người Cơ Tu lại có thể khai hoang những thửa ruộng bậc thang có hình dáng sống động đến như vậy. Để giờ đây chúng ta được hưởng trọn vẹn thành quả đầy tự hào ấy.

 

Rảo bước theo những con đường mòn nhỏ bạn sẽ đến ngay bên ruộng bậc thang Chuôr. Mùi lúa chín thơm phảng phất hương sữa non tràn ngập không gian. Đưa tay đón lấy những bông lúa ấy bạn sẽ cảm nhận lòng mình vui biết bao. Trong thung lũng ấy không chỉ có ruộng lúa mà còn những ngôi nhà của người dân nằm san sát nhau. Những mái ngói, mái tôn nhấp nhô, kề cận bên cạnh nhau. Trường học cũng được xây dựng ngay tại thung lũng này. Nơi nào có lúa thì nơi ấy có sự sống. Vì người Việt Nam chúng ta bao đời nay làm nông nghiệp, lấy lúa gạo làm cây lương thực chính. Người dân quý cây lúa lắm, lúc nào cũng dành thời gian và công sức để chăm bón cho chúng tốt tươi.

 

Những thửa ruộng đã thu hoạch

 

Đến mùa thu hoạch, người dân mừng rỡ đón nhận thành quả sau bao tháng làm lụm vất vả. Sau khi lúa được gặt, phơi khô, đem về nhà cũng là lúc người dân tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Nó còn có tên gọi khác là Tết cơm mới hoặc Tết Hạ Nguyên. Đây là một lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số để tạ ơn thần linh đã phù hộ, giúp đỡ để có vụ mùa bội thu, đời sống người dân no đủ. Đối với người dân bản địa, lễ hội mừng lúa mới có tầm quan trọng như dịp Tết Nguyên Đán vậy. Nghi thức cúng lễ được người Cơ Tu thực hiện trang nghiêm, thành kính. Họ chuẩn bị rất nhiều tế phẩm để tỏ lòng biết ơn của mình đến đấng linh thiêng.

 

Ruộng bậc thang Chuôr đã đóng góp lương thực cho bộ đội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính nhờ những bữa cơm của người dân, những bao gạo được luân chuyển đến cho bộ đội mà quân ta đảm bảo ăn no, đủ sức lực để chống giặc. Người dân Cơ Tu tin yêu, quý mến bộ đội và họ còn sáng tạo, chăm chỉ để canh tác ruộng nương. Những thửa ruộng phân từng bậc cao thấp ấy là nhờ vốn tri thức dân gian và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp của người Cơ Tu. Họ đã sử dụng nước từ sông Kool để phục vụ tưới tiêu. Đường dẫn nước khá xa nhưng người dân quyết không bỏ ruộng, vẫn chăm chỉ một năm hai vụ đều đặn. Những thửa ruộng dưới thấp thường bội thu hơn vì được cung cấp nước đầy đủ nên đất mịn nhiều chất dinh dưỡng.

 

Ruộng bậc thang Chuôr không chỉ cung cấp lương thực cho người dân mà còn mở rộng phát triển du lịch tại địa phương. Hơn thế nữa đó còn là nơi lưu giữ lễ hội truyền thống mừng cơm mới bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Vì thế thật xứng đáng khi ruộng bậc thang Chuôr đã được Quảng Nam xếp hạng danh thắng cấp tỉnh, mở ra những kỳ vọng đổi mới cho xã A Xan, huyện Tây Giang.

 

XUÂN BÌNH

Bài Viết Liên Quan

TÂY GIANG ĐẾN LÀ MÊ

Ngày: 

30/05/2022

Lượt xem: 

1020

RỰC RỠ RỪNG HOA ĐỖ QUYÊN TÂY GIANG

Ngày: 

18/10/2021

Lượt xem: 

1014

SĂN MÂY NGAY TRÊN ĐỈNH QUẾ - TÂY GIANG

Ngày: 

03/03/2021

Lượt xem: 

1978

Đi tìm những đồi cỏ tranh

Ngày: 

28/06/2020

Lượt xem: 

1252

Liên kết phát triển cây dược liệu

Ngày: 

22/04/2020

Lượt xem: 

910

Vì cộng đồng phát triển

Ngày: 

26/03/2020

Lượt xem: 

765

Giảm nghèo ở Tây Giang

Ngày: 

26/03/2020

Lượt xem: 

690

Đột phá từ thế mạnh của vùng

Ngày: 

27/02/2020

Lượt xem: 

860

Danh Mục

Loading...

Xem thêm

Tags