Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ 190km, có vị trí địa chính trị khá quan trọng của tỉnh. Phía đông giáp huyện Đông Giang, phía tây giáp CHDCND Lào, phía nam giáp huyện Nam Giang, phía bắc giáp các huyện A Lưới, Nam Đông và tỉnh Thừa Thiên Huế. Thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây được ví như Tây Bắc giữa miền Trung. Đây được cho là thủ phủ của người đồng bào Cơ Tu. Chính vì thế, nơi đây ngoài có sự đặc biệt của thiên nhiên còn có sự đặc sắc của một nền văn hóa Cơ Tu.
Điệu múa Tâng Tung Za Zá
Giá trị đặc sắc của nền văn hóa Cơ Tu không chỉ từ tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội mà còn đến từ giá trị tinh thần. Từ xa xưa, con người đã sớm tự biết tạo ra những loại nhạc cụ và điệu múa truyền thống để làm nên một đời sống tinh thần phong phú và điệu múa Tâng Tung Za Zá cũng ra đời từ đó.
Điệu múa Tâng Tung Za Zá truyền thống
Gắn với cộng đồng người Cơ Tu từ bao đời nay và trong sinh hoạt đời sống, lễ nghi của đồng bào Cơ Tu không thể thiếu điệu múa này. Tâng Tung theo nghĩa của tiếng Cơ Tu là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi. Điệu múa này dành cho nam thanh niên khỏe mạnh. Còn Za Zá theo nghĩa Cơ Tu là thẳng hàng, nhịp điệu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh sẽ đón đội ơn đất nghĩa trời, trung thành với người. Vũ điệu này dành cho nữ giới, hai bàn tay hứng lên như mừng rỡ đón chờ, mắt nhìn thẳng, miệng tủm tỉm cười duyên, tràn đầy những yêu thương.
Sau một ngày dài làm việc đầy nặng nhọc, tối đến, người dân tụ họp lại nhà Gươl đốt lửa lên nhạc để nhảy điệu nhảy truyền thống. Nhạc là tiếng trống, tiếng chiêng như mời gọi mọi người mau tụ họp để múa điệu múa truyền thống. Sau đêm ấy, mọi người như được tiếp thêm năng lượng cho một ngày mai làm việc hăng say. Trong những buổi sinh hoạt này, người dân không thể thiếu Tr’đin để thêm phần hưng phấn.
Rượu Tr’đin - thức uống không thể thiếu của người Cơ Tu
Nếu ở miền xuôi, trên các tấm biển báo cấm rượu bia khi tham gia giao thông thì ở nơi đặc biệt này, trên biển báo cấm còn có cấm uống Tr’đin (Trờ đin) khi lái xe. Tr’đin vốn dĩ là một loại cây mọc trên rừng, nhựa của cây chính là “rượu nhà trời” mà người dân nơi đây sử dụng.
Bạn có bao giờ thấy người ta khai thác nhựa cao su chưa? Khi lấy nhựa cây Tr’đin về làm rượu, người Cơ Tu cũng khai thác tương tự như vậy đấy nhưng khác là nước Tr’đin được lấy từ vị trí thân cây giáp với cành. Cây Tr’đin cao gần 15m, thân cây thẳng tắp, thân và lá của nó cũng tương tự như cây đủng đỉnh dưới miền xuôi. Cây thường mọc ở nơi ẩm ướt, gần nguồn nước.
Sau khi được khai thác đem về và ngâm với vỏ cây chuồn, sẽ cho ra rượu Tr’đin
Để lấy được nhựa Tr’đin, người ta phải làm một chiếc thang dài để trèo lên ngọn cây. Thường thì người dân sẽ làm luôn một chiếc giàn tựa vào thân cây để lần sau tiện lấy và đây cũng chính là hành động đánh dấu cây này là của nhà mình. Mỗi gia đình trong một thôn thường sẽ sở hữu từ 2 - 3 cây Tr’đin. Cây nhà ai nhà nấy khai thác, sẽ không có xảy ra trộm cắp hay tranh chấp ở đây vì nếu có, sẽ bị làng xử phạt rất nặng.
Nước Tr’đin sau khi lấy phải thêm một loại vỏ cây chuồn để lên men nữa mới tạo thành rượu. Qua thời gian, có thể vỏ cây chuồn sẽ bị hư nên cần phải thay vỏ cây để giữ được rượu lâu hơn. Rượu Tr’đin uống khi say không đau đầu như các loại rượu thông thường vì loại rượu này được lấy hoàn toàn từ tự nhiên.
Ở mỗi dân tộc sẽ có mỗi bản sắc khác nhau tạo nên một bức tranh đa dạng văn hóa bản sắc dân tộc của người Việt Nam. Khi đến Tây Giang - Quảng Nam, bạn đừng bỏ qua hai điều tạo nên đặc trưng của nền văn hóa này nhé!
TRANG CHÂU