Blog Quảng Nam

Bản tin

Khơi dậy niềm tin tuổi trẻ

Ngày: 

18/03/2020

Lượt xem: 

658

Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện Nam Giang với cán bộ đoàn cơ sở của huyện đã gợi mở nhiều câu chuyện về ý tưởng khởi nghiệp, khuyến khích người trẻ nỗ lực vươn lên.

 

Phó Bí thư Đoàn trường THPT Nam Giang chia sẻ băn khoăn tại buổi đối thoại. Ảnh: A.T

 

Lần đầu tiên tổ chức, diễn đàn gặp gỡ giữa Bí thư Huyện ủy Nam Giang với đoàn viên, đảng viên trẻ tiêu biểu địa phương thu hút hơn 100 cán bộ đoàn cơ sở. Nội dung gồm 4 nhóm vấn đề chính: phát triển kinh tế và việc làm; chế độ chính sách; xây dựng Đảng và nhóm nội dung khác; qua đó giúp địa phương định hướng tốt hơn các chính sách hỗ trợ cho thanh niên trong thời gian tới.

 

Những trăn trở

 

Là một trong những cán bộ đoàn cơ sở năng nổ tại địa phương, câu chuyện của Bh’ling Háo - Bí thư Đoàn xã Tà Bhing khiến nhiều người suy ngẫm. Đó là nỗi trăn trở của anh khi hàng ngày phải chứng kiến nhiều thanh niên địa phương thất nghiệp, rồi kéo theo những hệ lụy, thậm chí tiêu cực không đáng có. Vì thế, anh Háo cho rằng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết việc làm cho thanh niên đồng bào khó khăn.

 

“Không chỉ lao động địa phương, tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ mà cả khuyến khích khởi nghiệp trong thanh niên cũng phải được quan tâm và tạo điều kiện. Bởi qua rà soát, hiện vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu thiếu nguồn vốn để mua cây giống, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, chăm sóc...” - anh Háo chia sẻ.

 

Cùng suy nghĩ, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Nam Giang - Hà Thị Diệu cũng nêu lên những băn khoăn về tình trạng một bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số không chịu làm ăn, không chăm lo học tập, tìm kiếm việc làm để nâng cao đời sống. Cùng với đề xuất ý tưởng hạn chế tình trạng vừa nêu, chị Diệu bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần có những biện pháp cụ thể và phù hợp nhằm giáo dục và đẩy lùi tình trạng lười lao động trong một bộ phận thanh niên miền núi hiện nay.

 

Ngoài ra, nhiều băn khoăn, thắc mắc của cán bộ đoàn liên quan đến việc giới trẻ không có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng; công tác giảm nghèo cho thanh niên… cũng được đưa ra, kèm theo những đề xuất giúp địa phương có cách nhìn đa chiều, góp phần định hướng trong thời gian đến.

 

Trợ lực từ chính quyền

 

Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - anh Alăng Trượp cho rằng, bên cạnh tự thân nỗ lực cho cuộc sống gia đình, người trẻ cần biết cách khơi dậy niềm tin, khuyến khích thanh niên cùng chung sức vì mục tiêu đẩy lùi nghèo khó. Muốn làm được điều đó, cùng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, các đoàn viên thanh niên cần phải ra sức thi đua lập nghiệp, mạnh dạn vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng cây dược liệu. Những năm qua, cùng với tuổi trẻ toàn tỉnh, nhiều thanh niên Nam Giang đã đổi mới phương thức làm ăn, bỏ dần tư duy phát triển cũ chỉ quanh quẩn với nương rẫy.

 

“Tôi thấy nhiều bạn trẻ bây giờ đã biết mở hướng làm ăn mới, từ việc chăn nuôi heo cỏ, trồng cây dược liệu, sản xuất các sản phẩm đặc trưng miền núi như rượu cất tà vạt, chè dây, chuối hột… bán ra thị trường. Nhiều sản phẩm được điều chỉnh, có những sản phẩm được công nhận đạt OCOP của tỉnh” - anh Trượp nói.

 

Ông Chơ Rưm Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho hay, từ cuộc trao đổi với những người trẻ đã gợi mở nhiều ý tưởng, định hướng mới cho lãnh đạo địa phương trong việc khuyến khích đồng bào mở hướng làm giàu bằng các mô hình kinh tế lâm nghiệp gắn với trồng rừng, hạn chế tình trạng “trông chờ, ỷ lại” vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian qua, cùng với các chính sách ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh trong việc hỗ trợ phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Nam Giang cũng đã lồng ghép và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào địa phương.

 

“Ngoài Nghị quyết 03 của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng “3 cây, 3 con” chủ lực, hàng năm huyện cũng đã hỗ trợ đầu tư hơn 200 triệu đồng cho mỗi xã, thị trấn để phát triển chăn nuôi bò, heo và dê. Song song với đó, các chính sách theo Nghị quyết 47 của HĐND huyện về chương trình hỗ trợ phát triển trồng cây ăn quả, chính sách đào tạo lao động việc làm cũng góp phần trợ lực công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả và bền vững cho đồng bào địa phương thời gian qua” - ông Nhiên nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là tình trạng một bộ phận người trẻ có tâm lý thích hưởng thụ nhưng lại không muốn lao động, làm ăn. Đây cũng là hậu quả từ tâm lý “trông chờ, ỷ lại”, bằng lòng với cuộc sống thực tại của giới trẻ ở nhiều địa phương, cần phải có định hướng cụ thể để đẩy lùi. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, đưa thanh niên lao động tại các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động và những chính sách đào tạo nghề phù hợp cho thanh niên có nhu cầu, tạo việc làm ổn định, giúp hạn chế dần tình trạng chây lười trong một bộ phận thanh niên miền núi.

 

ALĂNG NGƯỚC

Bài Viết Liên Quan

Danh Mục

Loading...

Xem thêm

Tags