Blog Quảng Nam

Bản tin

LÀNG DỆT ZƠ RA - NÉT ĐẸP VĂN HÓA ĐỒNG BÀO CƠ TU

Ngày: 

04/10/2021

Lượt xem: 

1094

Nhịp sống ngày càng phát triển, con người từ mục tiêu “ăn no, mặc ấm” chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp”. Nhiều mẫu mã thời trang được lên ý tưởng, thế kế theo mùa, theo năm, thịnh hành rồi lạc hậu. Trong rất nhiều sự lựa chọn đó, những sản phẩm từ làng dệt truyền thống Zơ Ra, Nam Giang vẫn được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

 

Làng dệt Zơ Ra tại xã Tà B’hing, Nam Giang

 

Khi đến Nam Giang bạn sẽ thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của thác Grăng, thưởng thức hương vị độc đáo của rượu Tà Vạt và hòa mình vào vũ điệu tung tung - ya yá của người Cơ Tu. Trong hành trình ấy bạn cũng không nên bỏ lỡ cơ hội khám phá trang phục dân tộc tại làng dệt Zơ Ra để hiểu hơn về văn hóa người dân bản địa.

 

Làng nằm tại xã Tà B'hing, một trong những xã được chú trọng đầu tư mô hình du lịch cộng đồng tại Nam Giang. Trong chuyến du lịch trải nghiệm ấy bạn sẽ được tường tận quan sát đời sống sinh hoạt của người dân từ thổi lửa nấu cơm, giã chày cối đến trồng trọt. Tiếp đến bạn có thể hòa mình vào từng điệu múa và nhún nhảy theo nhịp cồng chiêng. Để rồi ngất ngây trước những bộ trang phục, trang sức sắc màu được các chị gái khéo léo dệt thành.

 

Làng dệt đã được hình thành cách đây vài chục năm. Có những giai đoạn suýt suy tàn nhưng cuối cùng vẫn được gìn giữ đến tận ngày nay. Đáng mừng hơn cả những sản phẩm của làng còn được buôn bán trong nước và một số nước lớn như Mỹ, Nhật. Điều đó cho thấy vẻ đẹp của những bộ trang phục Cơ Tu đã được cộng đồng quốc tế kiểm chứng và đón nhận nhiệt tình. Cũng nhờ vậy mà người dân an tâm gắn bó với khung cửi với sợi vải để tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào.

 

Những đôi bàn tay khéo léo tạo nên sản phẩm tinh xảo

 

Từ những nguyên liệu có sẵn tại địa phương các chị em đã cùng nhau tạo nên những tấm khố, váy, khăn đẹp mắt và thu hút. Vải được làm từ cây đay, gai, bông, còn khung cửi được làm từ các thanh tre, nứa. Từ những nguyên vật liệu giản dị, gần gũi người dân đã sáng tạo cách dệt vải cực kỳ độc đáo. Những ngày đầu họ quấn thanh gỗ sau lưng để làm khung cửi kéo lên kéo xuống. Các sợi vải được nối vào hai đầu chân để cùng với thanh gỗ phía sau tạo nên hệ thống khung cửi độc nhất vô nhị. Chỉ với những thao tác đơn giản người dân Cơ Tu đã tạo cho mình máy dệt vải đơn giản, gọn lẹ. Dần dần sau này người dân thay đổi cải tiến để đỡ cực nhọc và tăng hiệu suất dệt.

 

Hằng ngày các chị em trong làng sẽ cùng tụ họp tại nhà Gươl để bắt đầu công việc. Trong những thời gian đầu mọi người chủ yếu dệt trang phục cho người dân trong làng và những khu vực lân cận. Nào là khăn, khố, áo, váy, thắt lưng với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Nếu để ý bạn sẽ thấy trong các sản phẩm của họ có những kiểu hoa văn khác nhau. Mỗi đường nét, hoa văn đều mang một ý nghĩa riêng, gắn bó với đời sống văn hóa của người dân từ trước đến nay. Từ đó thể hiện được cuộc sống thường nhật, phong tục tập quán của người dân. Phải chăng đó là cách những con người nơi xa xôi này thể hiện tình yêu quê hương, bản làng của mình.

 

Khách du lịch rất yêu thích bộ trang phục đồng bào Cơ Tu

 

Những bàn tay khéo léo, thướt tha cứ uốn lượn lên xuống để tạo nên những sợi vải khắn khít. Hơn thế các công đoạn đều được làm thủ công nên các chị em phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành sản phẩm. Khi đã thu hoạch bông, đay, họ bắt đầu kéo sợi trên khung cửi. Tiếp đến là bước nhuộm màu, người dân thích những màu sắc sáng sủa và đậm. Công đoạn tốn nhiều sức lực và độ tập trung cao là dệt thổ cẩm. Các chị còn đính vào đó những hạt cườm đủ màu sắc để tạo điểm nhấn cho bộ trang phục của mình.

 

Trong những năm trở lại đây, người dân đã mở rộng sản phẩm phong phú hơn. Họ dệt cả các chiếc túi, ví, cặp xách, khăn trải bàn để làm quà lưu niệm cho du khách. Nhiều đoàn khách đến đây đều vô cùng thích thú được quan sát các chị em trong làng dệt và lựa chọn cho mình những món quà từ đại ngàn gửi về miền xuôi. Không chỉ vậy, những người dệt vải điêu luyện và có kinh nghiệm nhất của làng đã tiến hành phục dựng 50 sản phẩm truyền thống. Đó là những mẫu mã được dệt từ lâu đời và có nguy cơ mai mọt. Vì không muốn mất đi những giá trị truyền thống của làng nghề, các thợ nhân đã làm việc ngày đêm để tái hiện chuẩn nhất những gì mình biết.

 

Giờ đây làng dệt Zơ Ra, Nam Giang cung cấp khoảng 300 sản phẩm thổ cẩm các loại ra thị trường và được đón nhận nồng nhiệt. Nhờ vậy mà đời sống người dân ngày một thay đổi, phát triển tốt lên. Thông qua đó góp phần quảng bá du lịch, nét đẹp văn hóa của người đồng bào Cơ Tu đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.

 

XUÂN BÌNH

Bài Viết Liên Quan

THÁC GRĂNG - DẢI LỤA TRẮNG MÁT DỊU

Ngày: 

21/11/2021

Lượt xem: 

881

Đoàn kết vì phát triển chung

Ngày: 

18/06/2020

Lượt xem: 

948

Sắc mới Chơ Chun

Ngày: 

21/05/2020

Lượt xem: 

1066

Nhiệt huyết tuổi trẻ vùng cao

Ngày: 

16/04/2020

Lượt xem: 

1250

Vượt khó đi lên

Ngày: 

19/03/2020

Lượt xem: 

956

Khơi dậy niềm tin tuổi trẻ

Ngày: 

18/03/2020

Lượt xem: 

662

Hương sắc Nam Giang

Ngày: 

07/03/2020

Lượt xem: 

743

Xây dựng Đảng ở Nam Giang

Ngày: 

25/02/2020

Lượt xem: 

877

Vui hội xuân trên ngàn

Ngày: 

18/01/2020

Lượt xem: 

831

Danh Mục

Loading...

Xem thêm

Tags