Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại thành phố, nơi đâu đâu cũng là nhà cao tầng, đường phố bê tông tấp nập thì về làng quê để tham quan, trải nghiệm là một điều mà chúng rất háo hức. Bởi lẽ ít ai trong số đám nhóc được cầm xẻng xúc đất, bón phân và trồng những khóm rau xanh mơn mởn. Những loại rau mà hằng ngày mẹ vẫn nấu, hóa ra mọc như thế này!
Làng rau Trà Quế tại xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam
Theo chân các bạn học sinh khối THCS đang học tập tại thành phố Đà Nẵng để về tham quan, trải nghiệm một buổi làm vườn tại làng rau Trà Quế, Quảng Nam đã để lại cho tôi nhiều niềm vui muốn lan tỏa đến độc giả. Tôi đã có một lần đến với Trà Quế nên cảnh vật ở đây hầu như tôi đã hình dung trong ký ức của mình. Nhưng đám trẻ thì hân hoan và rộn ràng vô cùng. Bác tài dừng chân, cả đoàn hơn 100 người tập trung tiến về làng rau. Từ xa xa một màu xanh mướt và rộng khắp đã hiện hữu trước mắt chúng tôi. Tôi được biết ở đây có hơn 20 loại rau khác nhau, chẳng hạn như rau quế thơm ngát, rau xà lách - món rau đầu tiên khi bọn trẻ tập ăn rau, rau mồng tơi mẹ vẫn thường hay nấu canh,... Và nhiều loại rau khác mà chúng tôi thấy khá lạ lẫm. Đặc biệt rau ở Trà Quế được trồng với quy trình thủ công, sử dụng phân bón hữu cơ nên đảm bảo cho sức khỏe mọi nhà. Và đó cũng là lý do mà đoàn dẫn các bạn học sinh đến đây. Không chỉ giúp các em trải nghiệm làm vườn mà còn nâng cao nhận thức, tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
100 em học sinh khối THCS tham quan thực tế tại làng rau Trà Quế
Quả thật đám trẻ nhập cuộc rất nhanh. Cả đám chia nhau đến từng mảnh vườn đã được các bác nông dân chuẩn bị sẵn sàng để chào đón chúng. Đầu tiên các bác thị phạm cho chúng tôi bằng vài đường cơ bản như cuốc đất theo hàng, thẳng lối. Sau đó lấy phân sinh học làm bằng rêu đã được ủ để bón xuống. Kế tiếp lấy cây mồng tơi con trồng xuống và lấp đất lại. Và cuối cùng tưới nước cho những cô cậu mồng tơi để chúng được nạp đầy đủ dưỡng chất. Tay các cô chú làm thoăn thoắt, làm đứa nào cũng há hốc mồm và thích thú.
Tham quan kết hợp trải nghiệm thực tế đang được chú trọng phát triển
Thế rồi cũng đến lúc bọn nhỏ được tự tay cầm cuốc để xới đất. Nhưng không dễ dàng như chúng tưởng. Hóa ra chiếc cuốc khá nặng và sử dụng lần đầu nên trông mọi thứ thật vụng về. Ô, nhưng sau vài phút cả đám tỏ ra như mình là người làm vườn thực thụ. Có đứa còn vỗ ngực xưng rằng: sau này học xong mình sẽ trở thành người làm vườn, có một khu vườn rau thật to như vậy. Hay có đứa thì mơ mộng hơn: mình sẽ thành nhà nghiên cứu về thực vật học, trông cũng oách đấy nhỉ! Thế là cả đám phá lên cười.
Các bạn tự tay vun trồng những luống rau xanh mát
Vừa làm chúng tôi vừa hỏi thăm và nghe các bác kể chuyện. Thật ra để có những động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng và thành thạo như vậy không phải là làm ngày một ngày hai. Mà các cô chú đều làm nghề này 30,40 chục năm. Tuổi đời của đám trẻ chỉ bằng khoảng ⅓ tuổi nghề của các bác mà thôi. Có những bác làm từ khi mới 16 tuổi, ấy vậy mà nay đã ngót nghét sang tuổi ngũ tuần. Cũng như ba má tôi ở quê vậy, cả một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra hạt gạo quý giá, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Các giếng nước nhỏ nằm rải rác xung quanh vườn để thuận tiện tưới tiêu
Bất chợt tia nắng đã xuyên ngang vòm lá cắt đứt mạch nói chuyện của chúng tôi. Đám trẻ tranh thủ đi lấy nước về tưới cho những hàng rau mình vừa trồng. Trên tay cầm hai xô nước to, ước chừng rất nặng nhưng đứa nào cũng tươi cười hớn hở. Có lẽ vì hôm ấy là một ngày vui và mở ra trước mắt chúng “chân trời mới”.
Một trải nghiệm đáng nhớ của đám trẻ
Ở thành phố sẽ có rất nhiều điểm vui chơi giải trí nhưng dành cho con mình một ngày để trải nghiệm cuộc sống của người nông dân, để các con học cách lao động và quý trọng những thứ tốt đẹp mà mình may mắn có sẽ là hành trang quý giá cho con trên bước đường khôn lớn và trưởng thành. Vì thế làng rau Trà Quế sẽ là điểm đến hữu ích cho các bố mẹ và nhà trường khi lựa chọn điểm tham quan thực tế cho các bạn học sinh. Đồng thời cũng là dịp để bố mẹ gần gũi con cái, cùng nhau vui chơi và thư giãn sau những ngày làm việc, học tập vất vả.
XUÂN BÌNH