Blog Quảng Nam

Bản tin

LÀNG MỘC KIM BỒNG - NƠI CHẠM KHẮC DÒNG LỊCH SỬ

Ngày: 

04/10/2021

Lượt xem: 

834

Hội An, phố cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ lâu đã quá đỗi gần gũi với mọi người. Bách bộ qua các ngóc ngách tại phố Hội, ta như lạc về khung cảnh của thế kỷ 16, 17. Những gian nhà được chia tách bằng các trụ cột to chắc chắn, cửa ngõ được quét xi láng bóng. Đặc biệt những họa tiết rồng phượng, cây đa, giếng nước được chạm khắc tỉ mỉ qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng lúc bấy giờ.

 

Làng mộc Kim Bồng tại xã Cẩm Kim, Hội An

 

Làng có địa thế thuận lợi và hữu ý khi nằm tại hạ lưu sông Thu Bồn. Dòng chảy từ đây đổ ra biển lớn như khát vọng vươn ra thế giới của làng Kim Bồng. Và quả thật sau nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, một số sản phẩm của làng đã có mặt tại các quốc gia khác nhau. Điều đó cũng không lấy làm gì quá ngạc nhiên khi làng đã có niên đại hàng trăm năm tuổi. Nhiều cụ già trong làng kể rằng từ thế kỷ 16, 17 làng đã được phát triển thịnh hành tại Hội An. Từ nhu cầu chuyển từ nhà tre, tranh sang nhà gỗ để chống gió bão và an tâm sinh sống nên nghề mộc đã ra đời. Những trụ cột, thanh gỗ từ đó được cắt xẻ, đẽo gọt để có thể dựng nhà, làm mái.

 

Người dân trong làng chọn gỗ khá cẩn thận, phải là những cây chắc chắn, không bị nứt nẻ. Họ tiến hành cưa xẻ theo đủ kiểu hình dáng khác nhau tùy vào mục đích tạo tác. Có những thân gỗ to lớn có thể làm được rất nhiều sản phẩm. Còn với những cây nhỏ thì người thợ ghép chúng lại với nhau. Sau đó họ tạo dáng tổng quát cho sản phẩm và dần dần đi vào từng chi tiết cụ thể. Sau một thời gian chạm khắc, gọt tỉa cẩn thận người thợ hoàn thành bằng công đoạn đánh bóng. Nhờ vậy mà sản phẩm sẽ đẹp mắt và giữ gìn được lâu hơn.

 

Bộ bàn ghế được tạo nên từ các người thợ Kim Bồng

 

Nghề mộc tại đây đã phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 18. Trong đó các nghệ nhân chia làm ba nhóm nghề: nghề mộc dân dụng, nghề mộc xây dựng kiến trúc đô thị, nghề mộc đóng tàu thuyền. Mỗi nhóm nghề đều thịnh vượng và góp phần giúp cải thiện đời sống người dân. Để đáp ứng đời sống sinh hoạt, các thợ mộc đã chế tác nên bàn ghế gỗ, tủ đựng chén bát hay kệ để đồ dùng. Ngoài ra họ còn làm các bức tượng gỗ với các hình dáng, chạm trổ công phu. Với ý thức thẩm mỹ cao, những người thợ đã điêu khắc nên những hình dáng gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân bến cảng. Để rồi khi bày trí những dụng cụ ấy trong nhà, người dân như được nhìn thấy hình ảnh của họ và gia đình được khắc họa đầy chân thực.

 

Đặc biệt, bàn tay tuyệt vời của các nghệ nhân đã đóng góp rất lớn trong công trình kiến trúc tại Hội An. Những ngôi nhà cổ hay đền thờ đều là thành quả của một thời đại lẫy lừng. Các hình chim công, đầu lân, rồng phượng được chạm khắc ở nhiều nơi trên phố cổ. Qua đó thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Nếu bạn đã từng đặt chân đến phố Hội có lẽ cũng bị các hình họa tại mái đình, cửa ngõ thu hút. Đường nét tinh tế, điêu luyện ấy đã bền bỉ với thời gian suốt hàng trăm năm để giờ đây chúng ta được thừa hưởng nét kiến trúc độc đáo bậc nhất thế giới.

 

Những chiếc thuyền gỗ đặc sắc xuất hiện tại phố cổ

 

Người dân còn chế tác thuyền buôn với trọng tải lớn. Chắc bạn vẫn còn nhớ Hội An từng là thương cảng lớn trong khu vực. Vì thế các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã đóng thuyền với trọng lượng lên đến 20 tấn. Không chỉ phục vụ tại địa phương mà còn cung ứng cho khu vực từ Quảng Nam đến Bình Định. Để làm được thuyền đi biển không phải là đơn giản mà cần sự góp sức của cả tập thể. Họ chọn lựa những loại gỗ tốt nhất, bền nhất, không thấm nước để làm thuyền. Mỗi người thợ đều cần mẫn, khéo léo để cùng nhau hoàn thành nhiều chiếc thuyền cung ứng cho ngư dân, lái buôn.

 

Những nét chạm trổ tinh tế làm nên tên tuổi làng nghề

 

Qua vài dòng khó có thể nói hết về những nét tinh tế của nghề mộc Kim Bồng. Thời gian đã minh chứng cho sức sống bền bỉ của các tác phẩm chạm khắc, kiến trúc gỗ đặc thù, rất riêng của làng. Qua năm tháng đã có vô số phù điêu, tượng gỗ, bàn ghế ra đời qua bàn tay tạo tác tài nghệ của các thợ nhân. Hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ dân tiếp tục duy trì và phát triển nghề. Vì ở thời đại nào nghề mộc cũng cần thiết trong đời sống, sản xuất của nhân dân.

 

Nếu có dịp tham quan làng mộc Kim Bồng du khách sẽ cảm thấy thán phục trước tài nghệ của thợ nhân. Nhiều tác phẩm bắt mắt, độc đáo được chạm khắc tinh tế mà không phải nơi nào cũng có thể làm được. Đặc biệt hình ảnh chiếc đinh hương có 1000 con rồng và hình Chùa Cầu độc nhất vô nhị thể hiện tinh hoa văn hóa dân tộc gắn với niềm tự hào vẻ vàng về truyền thông bao đời nay.

 

XUÂN BÌNH

Bài Viết Liên Quan

Danh Mục

Loading...

Xem thêm

Tags