“Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều” là câu nói mà người Quảng Nam hay truyền tai nhau về những làng nghề nổi tiếng của quê mình. Điều đó cũng cho thấy sức ảnh hưởng và giá trị của làng trống Lâm Yên, huyện Đại Lộc ghi dấu với mảnh đất và con người nơi đây. Đặc biệt, với lịch sử hơn 200 năm hình thành và phát triển, làng trống Lâm Yên xứng đáng được nhiều người biết đến và gìn giữ hơn.
Làng trống Lâm Yên tại xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam
Thật khó để biết chính xác thời gian làng trống ra đời nhưng theo nhiều người già trong vùng bảo rằng họ đã được kể nơi đây có tuổi đời hơn 200 năm. Được biết tại huyện Đại Lộc có một gia đình đã theo nghề làm trống truyền thống được 7 đời. Điều đó càng minh chứng cho bề dày lịch sử của làng trống Lâm Yên. Nhiều người kể lại rằng khi xưa có cụ Phan Công Thiên vào Quảng Nam di dân và lập nghiệp. Ông đã mang theo nghề làm trống từ Bắc vào đây và phát triển lên làng nghề tại nơi cư trú là Lâm Yên. Khi ông mất, lần lượt các con cháu của những đời sau vẫn duy trì và mở rộng nghề truyền thống. Bởi với họ đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn mang lại niềm vui trong cuộc sống và bảo tồn những giá trị văn hóa do cha ông cất công xây dựng.
Có rất nhiều loại trống được chế tác qua bàn tay khéo léo của thợ nhân
Hiện tại làng nghề vẫn còn được gìn giữ. Thông thường vào những mùa lễ hội, tựu trường, tết trung thu (từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch) thì các thợ nhân sẽ tập trung làm nhiều trống để phục vụ nhu cầu tiêu thụ. Để làm ra một chiếc trống hoàn mỹ mang đậm dấu ấn Lâm Yên đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ và yêu nghề. Từ khâu chọn vật liệu, chế tác cho đến thẩm âm.
Phải kể đến gỗ là vật liệu quan trọng đầu tiên. Đối với những trống nhạc, trống lịnh thì cần chọn những thân gỗ to được tuyển chọn cẩn thận. Với những loại trống có kích thước nhỏ hơn thì thân trống sử dụng gỗ mít. Các thân gỗ sau khi được tập hợp sẽ tiến hành đo kích thước, bào, đẽo, gọt sao cho phù hợp với thân trống mà thợ sẽ làm. Đặc biệt những người thợ nhân ở làng Lâm Yên rất khéo tay, họ đẽo trơn nhẵn để trống không xồ xuề và không có dăm.
Điều nổi bật của làng trống Lâm Yên so với những làng nghề làm trống khác chính là cách làm mặt trống bền và tạo âm sắc vang, hay, theo ý của người thợ. Vì mặt trống làm từ da trâu già nên âm sắc tuyệt đỉnh. Ở công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, bào da theo quy định ở chính giữa mặt trống dày nhất và mỏng dần khi lan ra mép trống. Có như vậy âm thanh khi đánh lên mới vang nhất. Sau đó, họ căn chỉnh và buộc chặt lớp da vào mặt trống và cố định chắc chắn.
Bí quyết làm mặt trống tạo nên thương hiệu làng trống Lâm Yên
Một chiếc trống được xem là hoàn tất và bán được cần có khâu thẩm âm để nhận định trống đã đạt chuẩn hay chưa. Người thợ sẽ đánh trống và lắng nghe âm “bầm” hay “tang”, âm phát ra có đủ vang, sáng chưa. Không chỉ thế, những người thợ khác cũng cùng lắng nghe để có sự đánh giá khách quan nhất. Đối với những người không làm trong nghề hay không có thẩm âm tốt thì rất khó để thực hiện điều này. Vì thế làm trống không chỉ cần bàn tay khéo léo, sự nghiêm túc mà còn cần cảm âm tốt.
Tại làng có đa dạng mẫu mã nhưng sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến: trống chầu (thường rất to); trống lịch (đường kính mặt trống 18-25cm); trống lân; trống chiên; trống chùa; trống nhạc (đường kính mặt trống 27-28cm) và một số loại trống được làm theo yêu cầu của khách hàng. Hằng năm làng Lâm Yên sản xuất khoảng 2.000 trống và bán cho các tỉnh thành trong cả nước ta.
Người thợ đòi hỏi có khả năng thẩm âm tốt
Có thể nói rằng bí quyết tạo nên thương hiệu của làng nghề trống Lâm Yên chính là sự hoàn hảo ở mỗi công đoạn, từ lựa gỗ, xử lý da trâu đến bịt trống và chỉnh âm... Người thợ luôn tận tụy và chỉn chu để làm tốt nhất từng chi tiết nhỏ. Vì thế mới cho ra sản phẩm trống Yên Lâm rất bền, vang lên âm thanh thật giòn, vang vọng.
Với tinh thần lao động chăm chỉ và sự tỉ mỉ, những nghệ nhân làm trống Lâm Yên luôn đổi mới, sáng tạo, thẩm mỹ để phù hợp với thời đại nhưng không bỏ quên truyền thống quý báu của dân tộc. Từ đó giúp cho làng nghề của tỉnh Quảng Nam được bảo tồn và tự hào giới thiệu với bạn bè bốn phương.
Xuân Bình