TẾT VIỆT TRONG KÝ ỨC CỦA TÔI

30/01/2022 21:15 677

Vậy là...

 

Chỉ còn vài ngày nữa, chúng ta sẽ tạm biệt năm 2021 và chào đón năm 2022. Có lẽ vào những ngày cuối năm vài năm về trước, trên khắp đường làng ngã xóm đã tràn ngập sắc màu ngày Tết. Mọi năm cứ đến những ngày cuối năm khắp nơi rộn ràng, hàng quán đông đúc, những khu mua sắm hàng hóa nhộn nhịp cảnh mua bán… Và đâu đó bên những bàn trà, mâm cơm, những câu chuyện ngày Tết đang được kể râm ran. Thế nhưng...năm nay mọi thứ dường như trầm lại. Những biển cách ly tại nhà, điều trị F0 vẫn còn đang xuất hiện treo ở trước nhà khi cái tết đang cận kề.. Mọi cảm xúc cũng từ đó mà chững lại trong giây lát.

 

 

Có lẽ Tết trong tim của mỗi người dân Quảng Nam chúng tôi là cành hoa mai khoe sắc thắm tựa ánh nắng chiều xuân của người miền Trung. Là ánh nắng lung linh rực rỡ tựa nét môi cười trong từng cánh mai vàng e ấp của người con gái miền Trung lúc đương thì xuân xanh. Là sự dung hoa đào thắm, mai vàng của hai miền Bắc – Nam tạo nên nét đẹp rất chung nhưng lại rất riêng của vị Tết miền Trung. Tết là sự kết hợp tinh hoa, chắt lọc những tinh túy của đất trời quyện với tình người, tạo nên một cái Tết mang đậm dân tộc Việt. Dù ở nơi đâu, phương trời góc bể nhưng trong tim mỗi người vẫn luôn hoài niệm về một cái Tết sum vầy bên gia đình – cái Tết của “cốt hồn quê” trong câu ca xưa: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

 

 

Ngày đó, từ rất lâu! Tôi không nhớ lúc ấy mình bao nhiêu tuổi. Chỉ biết những ngày giáp Tết, ông nội tôi cùng những cô bác trong nhà làm thịt heo. Lũ trẻ con chúng tôi rối rít chạy sang nhà này rồi lại nhà kia để khoe những chiếc áo, những đôi dép vừa được ba mẹ mua cho. Tiếng nói của người lớn hoà lẫn tiếng cười của trẻ con vang vọng khắp nẻo giữa một vùng quê nghèo nhưng đậm tình thắm nghĩa. Thịt được chia về, nội tôi xắn tay làm đủ món để chuẩn bị cho ba ngày Tết: món thịt đông, món chả lụa, rồi món thịt nhồi mướp đắng, món thịt heo ngâm nước mắm và nhiều món khác nữa.

 

 

Khi nắng vàng ươm trải dài khắp lối, muôn hoa đua sắc. Tiếng chim líu lo chuyền cành hát khúc ca xuân. Lúc ấy là lúc mọi gia đình chuẩn bị làm dưa hành, củ kiệu. Đó là món ăn dân dã, một nếp văn hoá, một dấu ấn ẩm thực của người dân Việt. Thịt heo là món dễ gây ngán vì thế dưa hành có vị chua ngọt, ấm nồng ăn cùng với bánh chưng thì ngon tuyệt. Người Việt dù sinh sống và làm việc ở nơi đâu nhưng luôn nhớ về món dưa hành bình dị, một thứ gia vị khơi lại không khí ngày xuân, đánh thức vị giác trong hương tình Tết Việt.

 

Mùa xuân mang cả yêu thương của lòng người hoà trong đất trời của Tết tinh hoa. Bên cạnh “thịt mỡ, dưa hành” thì “câu đối đỏ” là một nét đẹp văn hóa của ông cha trong cái Tết xưa. Hàng năm, mỗi lần thấy ông tôi đem câu đối treo lên khắp tường là tôi biết rằng cái Tết đang rất gần. Những câu đối với ý nghĩa tinh tế được thảo nét điêu luyện với bàn tay uyển chuyển của các cụ đồ già xưa. Người viết câu đối là người không những có nét bút “phượng múa rồng bay” mà phải là người am hiểu sâu sắc về về thơ văn, sự uyên thâm trong câu chữ. Ông cha ta xưa rất trọng chữ nghĩa, “tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp truyền thống rất được nâng niu gìn giữ. Nên câu đối trong ngày Tết dùng để tặng nhau, chúc nhau, hay treo trong nhà tạo niềm may mắn cũng là một trong những bản sắc văn hóa, tinh hoa của linh hồn Tết ta.

 

 

Vẫn biết là giữ gìn bản sắc tinh túy, giữ cái quốc hồn của dân tộc. Nhưng bẵng đi một thời gian, hình ảnh ông Đồ già ngồi trên chiếu với mực tàu giấy đỏ bên phố ngày càng thưa thớt và dần vắng bóng bao độ xuân nay. Thay vào đó, thi thoảng ta lại bắt gặp những ông đồ trẻ có chút hoa tay ngồi thảo bút nhưng chẳng còn mấy ai ghé vào nhờ viết câu đối nữa. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, chúng ta chỉ việc soạn tin nhắn và gửi tới người cần chúc là xong việc chúc Tết. Sự tỉ mỉ, trịnh trọng gửi cho nhau lời chúc hay nhất, đẹp nhất trên giấy cũng dần phai theo dấu thời gian… Hình ảnh câu đối đỏ với ông Đồ già cứ thế lu mờ và mất hút tự năm nào. Như tuổi thơ cứ thế trôi về miền xa vãng.

 

 

Ngày ấy chuẩn bị cho Tết nhà, Tết làng, Tết quê, Tết của đất nước… Để giữ gìn bản sắc Tết Việt, đi cùng với “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” thì hình ảnh cây nêu đuổi ma quỷ cũng là một tập tục của ông cha ta. Tôi còn nhớ, cứ ngày ông Táo về trời – 23 tháng Chạp là các bô lão, thường là các cụ ông cao tuổi có tiếng nói trong làng như trưởng thôn, trưởng xóm mặc áo dài, khăn đóng trịnh trọng dựng cây nêu cao vút ở đầu làng với ý niệm xua đuổi tà ma, quỷ dữ không cho chúng vào quấy nhiễu dân mình. Các hộ gia đình thì cũng trồng cây nêu trước ngõ hay trước sân để tránh những điều xấu đến với gia chủ. Cây nêu mà tôi thường thấy là một cây tre có ngọn được treo trên đó những cờ phướng, những chuông gió,… nhằm tạo ra tiếng kêu réo rắt để xua đuổi ma quỷ.

 

 

Và cứ đến mồng sáu Tết trở đi, trưởng xóm và dân làng lại làm một mâm cỗ để làm lễ hạ nêu. Cây nêu ngày Tết với tôi giờ đã đi vào miền kí ức. Không biết nó có từ khi nào và cũng không biết tự bao giờ tôi không còn nhìn thấy hình ảnh dựng nêu rồi hạ nêu như những mùa Tết cũ ấu thơ đó nữa. Ngày nay, không biết nơi nào đó trên đất nước Việt Nam có còn tập tục ấy không? Hay cũng đã đi vào lãng quên như hình bóng ông Đồ già xưa. Tìm đâu cây nêu ngăn đuổi lũ quỷ trong cổ tích xưa kỉ niệm. Có người bảo bây giờ chỉ còn ở một số lễ hội hoa xuân hoặc chốn di tích kinh thành Đại Nội – Huế…

 

Mùa xuân là mùa sưởi ấm lòng người, vạn vật muôn loài sau những ngày tháng ngủ đông. Đó cũng là mùa các cặp đôi uyên ương thường chọn để về chung một nhà. Đốt pháo là hoạt động không thể không có trong một đám cưới xưa của đôi tân nương. Những pháo to pháo nhỏ nổ rình rang trong tiếng reo hò nô nức của lũ trẻ quanh xóm. Đặt biệt hơn, pháo là phong tục của người người, nhà nhà trong thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Tiếng pháo vang lên đồng loạt khắp nơi nơi. Từ thành thị đến nông thôn, tiếng pháo rền vang, đì đoành phát sáng cả một khung trời. Tiếng pháo khép lại năm cũ và mở ra một năm mới với bao ước muốn tràn trề mong một năm đong đầy sức khỏe, thắng lợi và gặp may trong mọi sự… Thời gian trôi xa. Từ những tại nạn mà pháo mang lại. Nhà nước đã cấm việc đốt pháo. Thay vào đó là pháo hoa được bắn tập trung theo điểm mà nhà nước cho phép hoặc là âm thanh pháo điện, tiếng thu âm của pháo để chào đón xuân mới. Đã qua rồi hình ảnh bịt lỗ tai mỗi khi dây pháo được châm ngòi, nổ vang cả khung trời, sáng bừng lên chiếu rọi những gương mặt ngây ngô thích thú của bọn trẻ trong xóm, ánh lên niềm hồ hởi tươi nguyên của người lớn tuổi mong một năm mới vui vẻ, giòn tan như tiếng pháo của thời khắc thiêng liêng. Tiếng pháo xưa đã đi vào kí ức biết bao người…! Tất cả giờ đây chỉ còn là hoài niệm, là vùng thương nhớ đầy vơi, tiếc nuối. Tuy vậy, việc bỏ việc đốt pháo là hợp lý và đúng đắn với xu hướng của sự phát triển văn hoá văn minh của thời đại…!

 

 

 

Tết về trên quê hương! Nếu như thiếu đi hình ảnh bánh chưng bánh tét xanh thì không thể gọi là Tết. Tôi chớ một bếp lửa hồng những đêm cuối năm. Mọi người trong gia đình gói gém chuẩn bị bếp, đậu xanh, thịt mỡ, hành, lá chuối, dây lạt, củi và một cái nồi thật lớn. Khi đó tôi biết Tết đã đến mấp mé về hiên nhà. Trong tâm trí tôi, hình ảnh của những chiếc bánh tét xanh luôn có một ý nghĩa đặc biệt mỗi độ xuân về. Mùi Tết toả khắp nhà! Và cả mùi của sự sum vầy. Các thành viên trong gia đình cứ xoay tròn quanh nồi bánh, từng bàn tay xòe ra rồi chụm lại, lấy hơi ấm từ ánh lửa đang bập bùng cháy đượm. Tôi hí hửng đun những thanh củi vào cái bếp được đặt bởi ba cục đá to. Ngọn lửa cháy lên! Tiếng lách tách của than củi, tiếng nước sôi lục sục, thi thoảng rơi xuống lửa than nghe xèo xèo thật là thích thú. Mùi than hồng, mùi khói, mùi nước bánh hoà quyện thành một mùi không thể nào quên được. Tôi gọi đó là “mùi của sum vầy”. Bọn trẻ chúng tôi cứ sáng rực những cặp mắt canh nồi bánh, nước cứ vơi rồi lại được nội chêm đầy. Hồi hộp thâu đêm chờ bánh chín như chờ đợi một cái Tết nồng ấm sóng sánh ánh mai vàng. Tôi nhớ những ngày ấy, trời gần về sáng, tiết trời lành lạnh, ba tôi trải một chiếc chiếu cho chị em tôi nằm cạnh bên bếp lửa. Hơi ấm và mùi bánh phảng phất một mùi thương yêu khó tả đưa chúng tôi vào giấc ngủ say nồng tự bao giờ. Chỉ biết rằng, sáng thức giấc đã thấy bánh đã được vớt ra đâu vào đó. Hít một hơi thật sâu, vươn mình trong nắng mai chiếu rọi qua thềm. Mùa xuân đã về…!

 

 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cái Tết đã ít nhiều thay đổi nhưng tục gói bánh, nấu bánh vẫn giữ ở nhiều nhà, đặt biệt là ở các vùng quê. Theo đó, với sự hiện đại hoá ít nhiều mà việc làm bánh cũng đơn giản đôi chút. Bánh chưng bánh tét cũng được bày bán ở các phiên chợ quê, siêu thị. Nên để thuận tiện thì nhiều nhà, đặt biệt là ở các thành phố, chỉ việc ra các điểm bán là có ngay cho mình những chiếc bánh thơm ngon với giá cả phù hợp với kích thước bánh lớn bé khác nhau, tha hồ lựa chọn. Dĩ nhiên là không khí quây quần sum vầy gói bánh và thức suốt đêm thâu, nằm cạnh bếp lửa hồng chờ đợi bánh chín lúc sắp sang xuân thì không có được như chính tự tay làm và cảm nhận…

 

 

Tết trong tôi bây giờ nhiều lúc như một nỗi nhớ vô hình, có lúc lại là những hình ảnh rất đổi thân quen. Là khi cánh én dập dìu bay trên bầu trời rộng, ước hẹn một mùa xuân mới. Là khi những nụ mai bắt đầu bung từng cánh dưới ánh nắng vàng khoe sắc. Là khi chị gió theo về nhảy múa cùng những lộc non trên cành. Là khi được hít hà mùi khói bếp của gia đình. Là khi được sưởi ấm bên bếp lửa ấp iu nồng đượm ánh than hồng những chiều cuối năm. Tết là khi ta được trở về nhà quây quần bên bữa cơm ấm cúng tình thân gia đình. Tết giúp mọi người gần nhau, hiểu nhau hơn. Tết là lúc con người dễ tha thứ và bao dung hơn bao giờ hết. Về để cùng nhau ôn lại kỉ niệm mùa Tết cũ, sống trọn tình nghĩa với Tết nay và cùng hướng về một cái Tết đong đầy tốt đẹp hơn ở tương lai.

 

 

Khi vạn vật cỏ cây thay đổi theo mùa, dòng chảy thời gian vẫn cứ trôi, năm tháng qua mau, đời người ngắn ngủi. Mới hôm qua còn thơ bé, chớp mắt có khi đã đi hết một nửa đời người. Dù Tết xưa hay Tết nay thì mỗi chúng ta cũng nên trân quý, sống trọn vẹn trong từng phút giây. Suốt ba năm qua dịch Covid hoành hành làm chao đảo cả thế giới. Bao mất mát cả vật chất lẫn tinh thần và cả mạng sống là không kể xiết. Việt Nam chúng ta cũng nằm trong guồng quay của đại dịch ấy. Quanh chúng ta, quanh tôi những đau vẫn còn âm ỉ khắp nơi. Cái Tết năm nay trống vắng hơn nhiều. Tôi không còn thấy bóng dáng của những có bác trong thôn đi treo cờ mừng đón xuân. Không còn thấy những bản nhạc xuân mỗi lần đi ngang quán nước đã cũ. Tất cả giờ đây chìm trong tĩnh lặng. Sắc đỏ của cờ Tổ Quốc vẫn ở đó, vẫn tung bay trong chiều gió xuân. Ấy thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn treo tấm biển điều trị F0 tại nhà, cách ly tại nhà... Và có lẽ dù muốn hay không thì mỗi người chúng ta cần chấp nhận với tình hình nhưng hiện nay. Trong trạng thái bình thường mới sống chung với đại dịch với những biện pháp vắc-xin, kèm tuân thủ 5k. Cùng với sự tự ý thức của mỗi cá nhân trong việc chống dịch.

 

 

Một năm mới nữa đang về! Đâu đó trên quả địa cầu này vẫn có những người con xa xứ mong được trở về với tình thân gia đình, về với quê mẹ đắm mình trong hơi thở xuân nồng. Đâu đó có những mảnh đời nặng gánh mưu sinh, những phận người dâu bể mà không thể về nhà sum vầy trong cái Tết quê vì dịch bệnh căng thẳng. Dẫu có những đau đáu giấu kín, nén lại trong lòng, có những nỗi nhớ, trông ngóng, nước mắt tuôn trào nhớ cái Tết quê hương. Dẫu ai phương Bắc, dẫu người phương Nam, bạn bè miền Trung, bà con Tây Nguyên, miền Tây sông nước. Ai xứ trời Âu, năm châu bốn bể mà chẳng nhớ về mùa xuân ấp iu tình cảm gia đình, nhớ mẹ nhớ ba, nhớ làng quê, xứ sở mỗi khi Tết đến xuân về trên muôn nẻo đường quê.

 

 

Năm tháng qua đi, phong tục Tết ít nhiều thay đổi. Dẫu Tết xưa hay Tết nay thì cái cốt của hồn quê luôn mãi trong tâm trí của bao người. Suy cho cùng con người cũng chỉ là sản phẩm của tạo hóa có linh tính được tạo ra có sự sống. Trong tiết trời những ngày cuối năm, sẽ không ai cản được dòng thời gian cứ trôi. Kể cả bản thân tôi, chưa bao giờ tôi lại sợ Tết như bây giờ. Tôi nhớ Tết xưa nhộn nhịp đông đúc, từng dòng người hứng khởi trở về, từng đoàn xe chở quất, mai vàng về trước ngõ. Nghĩ về Tết xưa để mà thanh lòng, gạn đục khơi trong lòng mình, lòng người. Tết xưa hay Tết nay thì đều trân quý và gìn giữ nó trong những điều có thể. Vị Tết là gì? Tết là khi tất cả mọi thành viên sum họp cùng nhau hàn huyên, khơi gợi biết bao kỉ niệm trong buổi tất niên chiều cuối năm và lại cùng nhau thức dậy đón một mùa xuân mới trong tiếng chào, tiếng chúc ông bà, ba mẹ sống khỏe, sống vui cùng con cháu. Dù Tết nay có đổi thay, dù có khác đi so với cái Tết của ngày xa xưa ấy. Nhưng Tết ở lòng người, Tết của sum vầy mới là cái Tết của đủ đầy và đẹp nhất…!!!

 

 

Cuối năm rồi! Tết này, bạn có về không? Về để ôn lại Tết xưa trong câu ca dao ông cha ta ngày nào lưu dấu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Về để ngả lòng mình trong ánh nắng chiều xuân, về để gom nhặt tuổi ấu thơ vàng óng. Về để hoài niệm lại những mùa Tết cũ, hít hà khói bếp trong lửa hồng ấm áp xuân nay…!

 

Tác giả: GIÁC NGỘ LÊ

*Cám ơn bạn đã gửi bài về cho Blog Quảng Nam

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đường 24/3, Phường Phường An Mỹ, Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Về Ái Nghĩa ăn mỳ Quảng

Về Ái Nghĩa ăn mỳ Quảng

, , Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Quê hương trong lòng người xứ Quảng

Quê hương trong lòng người xứ Quảng

, Phường Phường Tân Thạnh, Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Vẻ đẹp phố cổ Hội An trầm mặc, yên bình

Vẻ đẹp phố cổ Hội An trầm mặc, yên bình

, , Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đường 24/3, Phường Phường An Mỹ, Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Về Ái Nghĩa ăn mỳ Quảng
Về Ái Nghĩa ăn mỳ Quảng

, , Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Quê hương trong lòng người xứ Quảng
Quê hương trong lòng người xứ Quảng

, Phường Phường Tân Thạnh, Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Vẻ đẹp phố cổ Hội An trầm mặc, yên bình
Vẻ đẹp phố cổ Hội An trầm mặc, yên bình

, , Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam