Blog Quảng Nam

Bản tin

Khi trót thành... siêu nhân

Ngày: 

25/08/2019

Lượt xem: 

592

Tôi tình cờ nghe một người thở dài mệt mỏi, rằng giờ chỉ mong làm người bình thường, thiên hạ cứ nghĩ mình là siêu nhân nên cứ quàng, tống đủ thứ lên mình, trong khi mình mong là điều khác. Tôi không giấu được cười rằng, tiểu thuyết gia Kim Dung nói đừng làm thì không mệt không làm thì không sai, trăm sự do mình. Người kia gân cổ lên cãi khó lắm khó lắm không làm không được.

 

Chỉ có khách Tây đi xe đạp là chính.Ảnh: T.V

 

1. Cơ sự trên, y khoa gọi là cơ địa; chiêm tinh học gọi là cung vận hạn định. Sinh ra tự thân là thế, rồi hoàn thiện dần trên nhận thức mình là ai, đối đãi với trời đất tha nhân để định hình mình giữa đám đông khác biệt nhưng không xa lạ. Tôi gọi Hội An là thế, một “siêu nhân” giữa những thành phố bình thường. Chỉ gói gọn trong lãnh thổ chữ S này, sẽ không tìm ra một phố cổ Hội An thứ hai. Hà Nội lộn xộn; Sài Gòn chen chúc; Đà Lạt mất dần lạnh; Nha Trang như nồi lẩu; ngay cả 10 năm trước người ta kỳ vọng một Tuy Hòa “thị xã nhỏ như một bàn tay nhỏ/ những đường chỉ tay là phố ngang phố dọc”, giờ nóng rang trơ trọi khi cây xanh dọc biển đã bị triệt hạ, đến là ngán… Nói chi thì nói, Hội An vẫn còn đó một đô thị như kỳ vọng lâu nay. Chuyện siêu nhân vẻ gán ghép, nhưng cốt để nói rằng sự khác biệt khiến mình phải khác nhưng không mất đi hồn cốt, mà đã như thế là không ngừng giữ gìn và làm mới mình để mình không mất đi hệ miễn dịch sẵn sàng biến mình sang quái dị trong mắt bình thường và tào lao trong mắt siêu nhân.

 

Tôi nghĩ điều đó suốt một thời gian dài để ý Hội An trước những biến động. Có khi nó trở mình đón gió trước; có khi chậm một chút để bị bội nhiễm rồi giật mình nhận ra và sửa. Cũng chính vì thế, mới đây khi Hội An làm lễ phát động thành phố đi xe đạp, tôi nghĩ điều đó đến, sẽ đến và không thể khác. Ai đến phố cổ giờ tan tầm những chiều thứ 6, 7 và Chủ nhật, sẽ không khỏi ngán ngẩm nếu vô tình lọt vào đường Hai Bà Trưng. Đã từ bao giờ Hội An cho ô tô ầm ầm vào đây, để rồi chen chúc, tai nạn, phá vỡ chốn yên tĩnh này? Có cấm đâu mà cho, du lịch mà, rước không hết, sao đuổi được, để rồi bây giờ hoảng lên. Với tôi, chỉ có sự cạn cợt, hiếu động ở tuổi mới lớn, những ai không chịu trưởng thành mới đi chơi những chốn ồn ào mệt mỏi. Về phố cổ là tìm “đường trở về”. Vì thể, xe đạp là thứ phương tiện duy nhất có thể khiến người ta “chậm hơn sự dừng lại” để ăn cắp một chút nhàn của chính mình. Nói xe đạp thì nhớ ông Nguyễn Sự. Trước khi về hưu thì ông Sự kêu gọi công chức Hội An đi xe đạp đến công sở. Lý do đơn giản là giảm tiếng ồn, tập thể dục luôn thể. Lúc đó báo chí tưng bừng chia sẻ bức ảnh ông chở nhà văn Nguyên Ngọc sau lưng. Tôi nói thiệt là chơi với ông Sự, có nói thêm cũng thế, có bớt thì ông Sự cũng là ổng, nhưng rõ ràng cái này thể hiện khả năng thấy trước tình hình phố cổ sẽ đối mặt với cơ giới khiến Hội An không còn là mình, nên ông Sự “nhá đòn”. Nhưng rồi bánh xe xẹp lép lủi vô góc nhà theo ông về hưu.

 

Chùa Cầu không biết bao giờ mới hết ô nhiễm. Ảnh: T.V

 

2. “Hồi đó hưởng ứng lắm, nhưng cái khó ở mình là nắng nóng quá, hoặc mưa kinh quá, đi xe đạp tới cơ quan là tả tơi liền, mệt lắm anh ơi, rồi hệ thống xe đạp công cộng chưa phát triển, chỉ có các cơ sở lưu trú tự làm thôi” - ông Tống Quốc Hưng - Phó phòng VHTT Hội An nói. Nhưng sự thể này, nói như ông Hưng, là không thể được rồi. Ô tô, xe máy tại địa phương, khách du lịch, rồi hạ tầng giao thông ở Hội An đã khiến ngõ vào phố như vỡ trận. Chính quyền sắp tới đây sẽ làm hai bãi đỗ xe ở Thanh Hà và điểm tiếp giáp Sơn Phô với Cẩm Châu. Hội An phải đi xe đạp! Xin lưu ý: Câu chuyện này không phải nói chơi, nó sẽ xảy ra và nhất định sẽ có thật. Cộng đồng châu Âu, nhất là Đức ủng hộ, rồi Canada cũng làm dự án giúp đỡ. Bữa trước báo đài thông tin chuyện này rồi, tôi nghe và nhớ chuyện hồi đó cấm xe máy trong phố. Dân chửi lãnh đạo, chửi anh em làm văn hóa, quản lý đô thị không ra chi, nhưng rồi thì bây giờ đó, có ai nói nữa đâu.

 

Nhưng câu chuyện xe đạp đâu tràn lan được. Chính quyền sẽ cho thí điểm. Một hệ thống xe đạp công cộng sẽ ra đời. “Trước mắt là làm 10 trạm, tương lai sẽ rất nhiều. Ví dụ anh mượn xe ở đây, đi đã đời, không cần quay lại chỗ cũ trả mà có thể ghé bất kỳ trạm nào, dừng chỗ nào có trạm cũng được” - ông Hưng nói. “Vậy quản lý ra sao về thời gian thuê quy thành tiền, rồi  tình trạng ăn cắp?”. “Không lo, người đi sẽ được cấp một mã để mở khóa. Lúc bắt đầu lấy xe là bắt đầu tính tiền, Hình thức tính tiền có thể như là bán cái thẻ giống thẻ điện thoại, căn cứ thời gian đi. Trên xe có gắn định vị GPS, anh ở đâu người ta cũng biết. Hội An sẽ phát miễn phí cho dân và du khách trong 3 tháng để thử nghiệm”. “Đó là xe điện, nhưng xe không điện thì sao?”. “Cũng có, nhưng mẫu xe đang làm, chưa đưa vào”. “Chọn đường Hai Bà Trưng làm mẫu là vì quá đông đúc?”. “Đúng, chọn cái khó làm trước, các chuyên gia quốc tế khen phương án này của thành phố. Chúng tôi sẽ tiến hành phân làn bằng cách sơn ký hiệu xe đạp, đặt biển báo, sơn giảm tốc, tuần tới sẽ tiến hành giao mặt bằng…”.

 

3. Tôi xuống trước Đài TT-TH thành phố, nơi có đặt trạm xe mẫu. Chờ miết, chỉ thấy mấy ông bà Tây đạp xe qua lại. Trên chỗ Chùa Cầu cũng chỉ y chang mấy bà ông Tây. Xứ mình hay làm chuyện ngược đời, đi ngược văn minh với người ta. Chuyện châu Âu ra tay giúp dự án xe đạp, nghĩ xấu hổ quá. Cải tạo suy nghĩ là khó  nhằn hơn gỡ tấm lưới bị cá phá, cực hơn gỡ đám cỏ cú lộn vô mạ gieo đồng. Ai ra Đà Nẵng chiều tan tầm mà coi, xe hơi kín đường. Thời buổi xe hạ giá, tầng lớp giàu xài xe sang không nói đã đành; trung lưu có nhỉnh được chút bạc, bèn mọi giá kiếm cái xe vài trăm, đua nhau mua. Nghẹt thở. Dân xứ văn minh qua mình thì đi xe đạp, ở nhà vườn; mình thì ráng đua với thứ họ bỏ đi. Cứ cái đà này, biết bao giờ mới tới đích…

 

Ô hô, khá khen mấy ông bà Tây dựng xe đạp sát Chùa Cầu chụp ảnh mà không bịt mũi. Nước dưới cống xộc lên, kinh khủng. Cầu hỏng, phương án này hay kỹ thuật kia để cứu nó, bàn miết mà chẳng ra tấm món chi hết. Nước mình có cái hay, là khi xảy ra sự cố mới quyết liệt, quán triệt… Nhưng đó là chuyện gỗ đá, chứ nước hôi thối bao năm, sao không làm được? Ông cho tôi món ngon, nhưng bảo tôi ngồi ăn bên đống rác, sao tôi nuốt nổi? Hội An đừng tuyên truyền về Chùa Cầu nữa, nếu chưa giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường. Không lẽ bó tay? “Không, chúng tôi đã có kế hoạch bỏ ra 5 tỷ đồng cho chuyện này” - ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VHTT Hội An nói. “Thắt nút là chỗ nào, khi Nhật Bản đã làm nhà máy xử lý nước?”. “Nhà máy chỉ thu gom nước thượng nguồn về, đoạn phía trên chùa Pháp Bảo, đoạn còn lại bắt đầu từ đường Phan Châu Trinh đến Chùa Cầu thì không có. Dân vẫn xả đại ra cống, chưa kể chỗ ngã ba Tin Lành, phía bên phải nước xả thải vẫn đổ về đây, rồi nhà hàng này nọ, làm ô nhiễm kinh khủng không chỉ khu vực này mà cả đoạn sông Hoài từ Quảng trường đến chợ Hội An. Trước đây Sở VH-TT&DL có làm hồ điều tiết, nhưng cũng không hiệu quả”. “Vậy  là bó tay à?”. “Khó, nhưng quyết làm sẽ làm được, là đấu nối toàn bộ nước xả thải khu vực này, đưa ngược lên nhà máy xử lý, sẽ hết”. “Số tiền cần là bao nhiêu?”. “10 tỷ”.

 

Tôi nghe, nhớ chuyện xử lý nước sông Tô Lịch vừa ồn ào trên báo. Rõ ràng mấy ông nhà mình sai rành rành mà ráng gân cãi. Người ta từ Nhật Bản sang giúp, nước sạch trơn, đang thí nghiệm, thế mà xả nước ầm ầm ra, rồi nói đúng quy trình. Chuyện này gợi những xa xôi mà cụ thể về câu chuyện quản lý đô thị từ quyền điều hành lẫn thực thi khoa học trong ứng xử những vấn đề đô thị. Câu chuyện chính quyền đô thị ở xứ mình, nói thiệt, còn lâu, bởi ông có quyền cao hơn sợ ở dưới không nghe mình, nên hay áp đặt, ưng chi làm nấy; lợi ích nhóm, mệnh lệnh hành chính hay… “an ti” với giải pháp khoa học, cho nên hóa ra thành người làm người phá, tốn tiền mà chẳng được chi. Nghe đâu chuyện 10 tỷ bạc trên, Hội An sẽ  phải vào bảo vệ trước tỉnh để có thể giải quyết căn cơ ô nhiễm vốn làm xấu mặt Chùa Cầu.

 

Lại ô hô, ai biểu trót làm siêu nhân, nhưng biết làm sao bây giờ.

 

TRUNG VIỆT

Bài Viết Liên Quan

Danh Mục

Loading...

Xem thêm

Tags