Đi ngược dòng lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy oanh liệt. Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ đi dọc theo tuyến quốc lộ 1A về phía Bắc, rẽ phải về phía Đông khoảng 8km, sau đó rẽ phải theo đường Thanh Niên, thôn Vịnh Giang khoảng 2km là đến di tích lịch sử Địa điểm hầm ông Bậc.
Đây là một di tích tại địa phương, giữ vị trí quan trọng trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo một số tư liệu để lại, tình hình cách mạng trên địa bàn xã Bình Nam và huyện Thăng Bình sau năm 1954 có nhiều chuyển biến mới. Với thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 và những thắng lợi của ta trong Đông - Xuân 1953 – 1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ ne vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương vào ngày 20 tháng 7 năm 1954. Theo trong nội dung Hiệp định, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị - làm ranh giới tạm thời giữa hai miền Bắc - Nam; miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trong khi đó miền Nam vẫn tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của quân đội liên hiệp Pháp. Hiệp định Giơ ne vơ cũng quy định sau hai năm, đến ngày 20 tháng 7 năm 1956, hai miền Nam - Bắc sẽ tổ chức cuộc Tổng tuyển cử tự do để đi đến thống nhất nước nhà.
Trong khi đó, với âm mưu hất cẳng Pháp để độc chiếm miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ trắng trợn từ chối và phá hoại việc thống nhất Việt Nam. Chúng từng bước hậu thuẫn Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại và thành lập cái gọi là nước “Việt Nam Cộng hòa”. Ngay sau khi lên nắm quyền, Ngô Đình Diệm thi hành một loạt chính sách cực kỳ phản động. Từ tháng 5 năm 1956, chúng phát động chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” trên khắp miền Nam, với nhiều thủ đoạn tàn ác. Hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên và người yêu nước đã bị bọn mật vụ, công an đem đi thủ tiêu mà không cần kết án.
Ngay sau khi tiếp quản chính quyền, địch đã gây ra hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu đối với cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến cũ của ta ở Vĩnh Trinh, Cây Cốc, Chiên Đàn, ở Hà Lam - Chợ Được, Sơn - Cẩm - Hà…, gây phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân cả nước. Đi đôi với chính sách khủng bố, chính quyền Ngô Đình Diệm nghiêm cấm nhân dân không được tiếp xúc, đồng thời thẳng tay đàn áp những người có dính líu đến Việt Cộng hoặc liên quan đến Việt Cộng. Một không khí khủng bố, chết chóc trên khắp vùng đô thị, nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi.
Xã Bình Nam nằm về phía Bắc và Tây bắc giáp xã Bình Hải, Bình Sa, Bình Trung, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp xã Bình An, phía Nam giáp xã Tam Thăng và Tam Thanh thuộc thành phố Tam Kỳ. Trong kháng chiến chống Pháp, các xã Bình Dương, Bình Nam được coi như vọng gác tiền tiêu ở phía Đông huyện Thăng Bình, vừa là bàn đạp để cán bộ và lực lượng vũ trang vào công tác ở vùng tạm chiếm, trong đó có thị xã Hội An ở phía Bắc và thị xã Tam Kỳ ở phía Nam.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng như các xã thuộc vùng đông Thăng Bình, xã Bình Nam là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Chỉ tính riêng giai đoạn 1954 - 1959, hàng trăm cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã bị địch bắt, bị tù đày hoặc bị sát hại. Sự đánh phá quyết liệt của kẻ thù đã gây nên những tổn thất và hy sinh rất lớn đối với phong trào cách mạng xã Bình Nam nói riêng, huyện Thăng Bình và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Trước tình hình Mỹ - Diệm tăng cường khủng bố, kìm kẹp quần chúng và đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong 4 năm đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, tháng 1 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) họp tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ cơ bản và con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mối quan hệ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam – Bắc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới… nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Hội nghị nhấn mạnh: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực…. Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang hoặc nhiều, hoặc ít, tùy tình hình để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và tay sai, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Trong Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, nó soi sáng con đường cách mạng miền Nam tiến lên; đồng thời đánh dấu sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công địch.
Nhằm triển khai học tập và quán triệt tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương, tháng 6 năm 1959 tại làng Pa Ghì, huyện Bến Giằng, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng. Sau khi đánh giá lại tình hình cách mạng trong tỉnh, Hội nghị đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng, tuyên truyền đường lối của Đảng đến cán bộ, nhân dân, móc nối xây dựng lại cơ sở ở đồng bằng, rút thanh niên lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành diệt ác, phá kìm, khôi phục phong trào đấu tranh của nhân dân... Tiếp đó, đầu năm 1960 tại làng Adhur, Bến Hiên (nay thuộc xã Arooih, huyện Đông Giang), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tổ chức Đại hội nhằm đề ra những chủ trương theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Đại hội đề ra phương hướng chung: “Tạo mọi điều kiện để tấn công hàng ngũ địch, hạ uy thế địch, khôi phục lực lượng, đưa phong trào tiến lên. Hiện nay và sắp đến, ta sẽ ra sức xây dựng miền núi, củng cố chân đứng vững chắc, xây dựng, khôi phục, phát triển phong trào đồng bằng, thành thị và tiến mạnh công tác binh vận...”.
Nghị quyết 15 (tháng 1 năm 1959) và sau đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9 năm 1960) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, một phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta đã được thổi bùng trên khắp miền Nam, phong trào Đồng khởi, được mở đầu từ tỉnh Bến Tre đầu năm 1960 và sau đó lan ra khắp miền Nam. Phong trào Đồng khởi đã làm chế độ Mỹ - Diệm lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng; thời kỳ tạm ổn của chế độ Mỹ - Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng liên tiếp của chúng bắt đầu. Tình hình đó buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, từ “chiến tranh đơn phương” sang “chiến tranh đặc biệt” để đối phó với cách mạng miền Nam. Với chiến lược chiến tranh mới này, đế quốc Mỹ chủ trương dùng quân ngụy làm lực lượng chủ yếu với vũ khí và trang bị hiện đại của Mỹ, do Mỹ vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy. Thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", từ năm 1961, trên chiến trường miền Nam, Mỹ - Ngụy áp dụng kế hoạch Stalây – Taylo với tham vọng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, tập trung vào các thủ đoạn: dồn dân lập “ấp chiến lược”; tăng cường lực lượng quân ngụy, tiến hành các cuộc bao vây, càn quét bằng những chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận”; ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Mỹ - Diệm coi việc dồn dân lập ấp chiến lược như là “xương sống”, là “quốc sách” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Thực chất, ấp chiến lược giống như một trại giam trá hình nhằm kìm kẹp, kiểm soát nhân dân, tách dân ra khỏi cán bộ, thực hiện “tát nước, bắt cá”, tiến tới tiêu diệt lực lượng cách mạng. Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng từng là trọng điểm của chính sách “tố cộng, diệt cộng” trước đây, nay Mỹ - Ngụy tiếp tục chọn làm thí điểm thực hiện lập "ấp chiến lược", "bình định”.
Tại huyện Thăng Bình, tháng 9 năm 1961, Liên huyện ủy Quế Sơn - Thăng Bình chủ trương thành lập đơn vị vũ trang gồm 12 chiến sĩ. Đồng thời, Liên Huyện ủy mở đợt vũ trang tuyên truyền ở vùng tây Thăng Bình nhằm phát động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh, vận động thanh niên thoát ly tham gia cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng. Từ vùng Tây Thăng Bình, phong trào cách mạng đã tác động, ảnh hưởng đến vùng Đông Thăng Bình, trong đó có xã Bình Nam.
Đến cuối năm 1963, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ ở các xã vùng đông Thăng Bình. Riêng tại xã Bình Nam, cơ sở cách mạng được xây dựng vững chắc tại các thôn Vịnh Giang và Phương Tân, trở thành chỗ dựa cho cán bộ, đảng viên của huyện Thăng Bình và xã Bình Nam. Bước sang năm 1965, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam leo thang lên một bước mới. Để cứu nguy cho chế độ ngụy quyền tay sai và trước nguy cơ phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” Mỹ trực tiếp đưa quân vào tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngay sau khi đổ quân vào miền Nam, Mỹ tiến hành chiến lược “tìm và diệt”, sau đó là “tìm diệt và bình định”. Đây được xem như chiến lược hai gọng kìm nhằm "bẻ gãy xương sống Việt Cộng" và đối phó với phong trào cách mạng miền Nam đang phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, chúng đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nhằm phá hoại và ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. Đây được coi là cố gắng quân sự lớn nhất, bước leo thang cao nhất của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Với chiến lược chiến tranh mới này, quân viễn chinh Mỹ sẽ trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, thay thế quân Ngụy lui về làm nhiệm vụ "bình định". Triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Ngày 8 tháng 3 năm 1965, những đơn vị quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Tiếp đó, đầu tháng 5 năm 1965, chúng đổ bộ lên bãi biển Kỳ Hà – Chu Lai (nay thuộc huyện Núi Thành) và khẩn trương xây dựng Chu Lai thành một trong những căn cứ quân sự lớn nhất miền Nam.
Trong đó xã Bình Nam liên tục trở thành mục tiêu tấn công, càn quét của Mỹ - Ngụy.
Lúc này, đánh Mỹ và thắng Mỹ đã trở thành khẩu hiệu hành động của quân và dân miền Nam, quân và dân hai tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng nói chung. Ngày 20 tháng 7 năm 1965, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Người nhấn mạnh: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Để động viên các tầng lớp nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động cao trào kháng chiến chống Mỹ và nêu quyết tâm: "Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh".
Trước tình hình Mỹ đem quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam, thực hiện lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Thăng Bình, vào tháng 8 năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Nam đã đề ra nghị quyết phát động quần chúng đồng khởi giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, trong đó trọng điểm là giải phóng vùng đông quốc lộ 1A và vùng cát của các huyện. Lực lượng đồng khởi là quần chúng nhân dân chủ yếu là quần chúng tại chỗ, lực lượng vũ trang có nhiệm vụ chủ động tiến công hỗ trợ cho quần chúng tiến hành đồng khởi. Mục tiêu đặt ra là phá tan bộ máy kìm kẹp của địch ở các thôn, xã, phá cho được 2/3 số ấp chiến lược và biến ấp chiến lược thành làng chiến đấu của ta. Sử dụng ba mũi giáp công để đánh địch và bố phòng chống địch phản kích, bảo vệ thành quả của phong trào đồng khởi. Từ đầu tháng 9 năm 1964, các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng đông Thăng Bình tiến hành vũ trang diệt ác phá kèm, phá ấp chiến lược, giành dân. Chỉ trong tháng 9, mở đầu từ xã Bình Dương, các xã vùng đông Thăng Bình đều được giải phóng. Riêng xã Bình Nam, ta đã giải phóng hai thôn là Vịnh Giang và Phương Tân; đến đầu năm 1965, thôn Nghĩa Hòa cũng được giải phóng. Sau ngày giải phóng nhiệm vụ cấp bách của Chi bộ, chính quyền là nhanh chóng ổn định tình hình, giữ vững an ninh chính trị, ra sức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực sản xuất, xây dựng các thôn vừa mới giải phóng vững mạnh về mọi mặt. Đặc biệt công tác hết sức quan trọng lúc bấy giờ là đảng, chính quyền xã Bình Nam gấp rút xây dựng lực lượng du kích ở các thôn, du kích xã, tổ chức bố phòng, bảo vệ chính quyền non trẻ của cách mạng. Sau khi làm chủ được xã Bình Nam và một số xã vùng Đông Thăng Bình, chính quyền Mỹ ngụy của địch hết sức hoang mang. Chúng liền xua quân tổ chức nhiều đợt càn quét, đốt phá làng xóm, nhà cửa nhằm tìm kiếm và tiêu diệt cán bộ, cơ sở cách mạng, đảng viên của ta. Với quyết tâm bám trụ, dựa vào quần chúng nhân dân, du kích Bình Nam đã đánh thắng và đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của địch.
Và có thể thấy rất rõ, trên phương diện địa hình, thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam nằm vùng biển ngang, đặc thù là phía Đông giáp với biển, phía Tây có sông Trường Giang, phía Bắc giáp thôn Phương Tân cùng xã, phía Nam giáp thôn Tỉnh Thủy xã Tam Thanh, toàn bộ là đồi trọc, địa hình khá phức tạp cho việc hoạt động của cách mạng và cất giấu lực lượng để chiến đấu, và các bước để chuẩn bị phục vụ chiến đấu. Sau khi xã Bình Nam được giải phóng, nhân dân vô cùng phấn khởi khi thoát khỏi sự kìm kẹp của địch, mọi người bắt tay vào việc xây dựng tổ chức đảng và bộ máy chính quyền nhân dân. Lúc này, Chi bộ xã Bình Nam được thành lập, do đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư Chi bộ, Phó Bí thư kiêm chính trị viên Xã đội là đồng chí Phạm Hàng, Xã đội trưởng là đồng chí Trương Văn Ơn, Trưởng ban An ninh là đồng chí Trương Thiện Trường, Trưởng ban Kinh tế là đồng chí Võ Thị Sỹ…
Cũng tại thôn Vịnh Giang, một số cán bộ, đảng viên nòng cốt tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng và lực lượng cách mạng. Từ những đặc điểm khó khăn của thôn, lúc ban đầu chỉ có 1 chi bộ, lực lượng đảng viên còn ít, nhưng dần dần hệ thống chính trị cũng đã đầy đủ. Chi bộ tổ chức nhiều cuộc họp nhằm bàn biện pháp và nhiệm vụ chiến đấu với địch về lâu về dài.
Với địa thế ngôi nhà nằm sát ven sông và dưới chân đồi cát, ngôi nhà ông Nguyễn Bậc - Cán bộ kinh tài, được tổ chức chọn để làm địa điểm cơ sở hội họp và hoạt động cách mạng của cán bộ Huyện ủy Thăng Bình khi về công tác tại địa bàn xã. Sau đó, tại địa điểm này, Chi bộ Bình Nam chỉ đạo tiếp tục xây dựng 2 hầm công sự kiên cố nằm sát bờ ruộng lúa, trên hầm có bờ tre rậm kín, nhằm để đối phó với bọn địch lúc càn quét, đây là cơ quan vững mạnh và nơi bảo toàn lực lượng kiên cố, vững chắc, là cơ quan đầu não. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Thăng Bình, ngày 30 tháng 7 năm 1965, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Ngọc Hàng - Chính trị viên xã đội, triệu tập cuộc họp khẩn để bàn nhiệm vụ và chuẩn bị lực lượng giải phóng các thôn còn lại (thôn Đông Tác và thôn Thái Đông) của xã Bình Nam. Huyện ủy Thăng Bình cử đồng chí Nguyễn Đồng, cán bộ huyện đứng địa bàn xã Bình Nam trực tiếp chỉ đạo.
Trong khi công tác chuẩn bị cho việc giải phóng các thôn còn lại của xã Bình Nam đang được tiến hành, bất ngờ sáng ngày 2 tháng 8 năm 1965, địch tổ chức đợt càn quy mô, với lực lượng 1 tiểu đoàn lính cộng hòa, cùng với hàng chục chiếc trực thăng, tổ chức càn quét vào thôn Phương Tân (xã Bình Nam). Sau khi lùng sục, càn quét thôn Phương Tân, chúng kéo về thôn Vịnh Giang. Tại đây, do có kẻ đầu hàng nên địch đã phát hiện được các cán bộ của huyện Thăng Bình và xã Bình Nam đang ở dưới hầm nhà ông Nguyễn Bậc. Tại hầm nhà ông Nguyễn Bậc lúc này có các đồng chí: Nguyễn Đồng, cán bộ huyện Thăng Bình đứng chân tại Bình Nam; Phạm Hùng, Bí thư Chi bộ xã; Phạm Ngọc Hàng, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Chính trị viên Xã đội; Trương Thanh Trường, Xã đội trưởng; Võ Thị Sỹ, Trưởng ban Kinh tài; Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng thôn Vịnh Giang; Nguyễn Bậc và Trương Tống, cán bộ Kinh tài.
Phát hiện được lực lượng ta đang trú dưới hầm nhà ông Nguyễn Bậc, địch đã tiến hành bao vây, gọi hàng, thậm chí dụ dỗ, mua chuộc.
Nắm rõ âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, mặc dù đang ở trong thế bị bao vây bởi kẻ địch đông gấp nhiều lần, nhưng các đồng chí của ta vẫn kiên quyết không đầu hàng địch; đều tỏ rõ quyết tâm thà hy sinh chứ không để lọt vào tay địch. Hai đồng chí Trương Tổng và Nguyễn Bậc được cử lên khỏi miệng hầm với mục đích để địch biết dưới hầm không còn người nào. Tuy nhiên, do sự đầu hàng, chỉ điểm của một cán bộ xã, địch đã biết rõ lực lượng ta ở dưới hầm, do đó chúng ra lệnh thi nhau nã đạn xuống hầm.
Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra nhanh chóng. 6 đồng chí cán bộ ta còn lại dưới hầm đều hy sinh. Bọn địch hèn hạ lôi xác các đồng chí ta từ dưới hầm lên, sau đó dùng lưỡi lê tiếp tục đâm vào xác các đồng chí. Chúng bắt các đồng chí Nguyễn Bậc và Trương Tống về căn cứ Tuần Dưỡng nhằm khai thác. Sau đó, chúng giao cho ngụy quyền xã Bình Nam đem hai đồng chí đi thủ tiêu tại Gò Tre, sát với xã Bình An.
Sau khi các đồng chí cán bộ chủ chốt của Bình Nam hy sinh, Huyện ủy Thăng Bình cử cán bộ về củng cố bộ máy lãnh đạo của xã; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời tích cực ủng hộ cách mạng. Có thể nói, sự tàn bạo, dã man của kẻ thù không những không làm quần chúng nhân dân Bình Nam khiếp sợ; trái lại, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các đồng chí cán bộ chủ chốt của xã, lòng căm thù giặc trong nhân dân lại nhân lên gấp bội. Ngay sau sự kiện ngày 2 tháng 8 năm 1965 đó, nhiều thanh niên trong xã đã xung phong lên đường, tham gia các đơn vị bộ đội, hoặc lực lượng du kích của xã; nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp cho cách mạng. Ngay tại thôn Vịnh Giang, một địa đạo dài khoảng 50m, cùng nhiều hầm bí mật được đào để tiếp tục nuôi giấu cán bộ, bộ đội, cũng như để tổ chức đánh địch.
Ngay trong tháng 9 năm 1965, lực lượng du kích và nhân dân xã Bình Nam đánh bại cuộc càn quét của địch tại thôn Vịnh Giang.
Có thể nói, hầm Ông Bậc Hàng năm, vào ngày 27 tháng 7 và các ngày lễ, các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Nam tổ chức dâng hương tưởng niệm ngay tại địa điểm các cán bộ, đảng viên đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhằm tri ân đối với những đóng góp, hy sinh của các thế hệ đi trước, đồng thời làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngay tại nơi các cán bộ, đảng viên của huyện Thăng Bình và xã Bình Nam hy sinh trong sự kiện ngày 2 tháng 8 năm 1965, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Nam đã xây dựng, cải tạo thành một khuôn viên với diện tích khoảng 60m2, hướng ra phía sông Trường Giang. Trong khuôn viên Hầm có tấm bia ghi đầy đủ tên tuổi, chức vụ của các đồng chí đã hy sinh trong ngày 2 tháng 8 năm 1965 và các đồng chí bị địch bắt và thủ tiêu sau đó. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhân dân vùng Đông Thăng Bình nói chung và nhân dân xã Bình Nam nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã làm nên biết bao kỳ tích anh hùng, đã chịu nhiều mất mát hy sinh gian khổ để đánh bại một kẻ thù có sức mạnh quân sự và tiềm năng kinh tế lớn hơn ta gấp nhiều lần để giành lại độc lập tự do cho dân tộc và thống nhất đất nước năm 1975. Để đi đến ngày thắng lợi, hàng trăm người con ưu tú của Bình Nam đã ngã xuống trên các chiến trường và ngay tại quê hương; trong đó 421 người được công nhận liệt sĩ, 112 thương binh, 520 người bị địch bắt, tù đày. Toàn xã có 69 Mẹ Việt Nam anh hùng; 1400 gia đình có công với cách mạng. Xã Bình Nam đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc.
Sự kiện hầm ông Bậc là một trong những nhân chứng lịch sử lưu giữ những sự kiện bi thương nhưng cũng rất hào hùng; nơi chứng kiến sự hy sinh, mất mát to lớn của Đảng bộ và nhân dân vùng Đông Thăng Bình nói chung, xã Bình Nam nói riêng. Trong sự kiện này, hầu hết những cán bộ chủ chốt của xã Bình Nam (gồm Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Xã đội, Xã đội trưởng…) đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng trước mũi súng của kẻ thù.
Với ý nghĩa đó, di tích Hầm ông Bậc sẽ mãi là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương hôm nay và mai sau. Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của hầm Ông Bậc thì ngay tại địa điểm này đã được xây dựng, cải tạo thành một khuôn viên khang trang, làm nơi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Nam tổ chức dâng hương tưởng niệm; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.
Tác giả: Giác Ngộ Lê
*Cám ơn bạn đã gửi bài về cho Blog Quảng Nam